Tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, điều luật này không mô tả chi tiết các dấu hiệu của tội danh này nhưng có thể hiểu khái quát tội giết người hiểu đơn giản là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác trái pháp luật, hay có thể hiểu là hành vi có khả năng gây ra chết người, chấm dứt sự sống của con người.

Luật sư Đinh Thị Chúc - Công ty Luật ALadin cho biết:

Điều 123 Bộ luật hình sự hiện hành quy định như sau:

“Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.”

Những người được xác nhận là bị thần kinh, và họ giết người trong trạng thái bị kích động thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Luật sư Đinh Thị Chúc giải thích: Điều 21 Bộ luật hình sự quy định “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Như vậy, người tâm thần thực hiện các hành vi được coi là tội phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự, bởi người tâm thần được coi là người không có năng lực trách nhiệm hình sự, không nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và không có khả năng điều chỉnh, kiểm soát hành vi của mình để lựa chọn thực hiện các hành vi phù hợp với đạo đức và pháp luật.

Tuy rằng người bị tâm thần khi thực hiện hành vi phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng pháp luật quy định biện pháp xử lý đối với trường hợp này theo Điều 49 Bộ luật Hình sự hiện hành. Cụ thể là:

“1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.

Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.”

Mời các bạn nghe luật sư Đinh Thị Chúc - Công ty Luật Aladin trao đổi cụ thể dưới đây: