Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội có 12 chương và 120 điều, nhiều hơn 14 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, bỏ 01 điều và bổ sung 15 điều.
Trước đó, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3 với 163 lượt phát biểu ý kiến tại Tổ, 27 lượt phát biểu tại Hội trường và 10 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự án Luật.
Sáng nay, Quốc hội thảo luận hội trường về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trong báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều nội dung của dự thảo luật vẫn còn có ý kiến khác nhau.
Về xã hội hóa trong hoạt động y tế. Điều 107 nêu rõ hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Đầu tư thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân; đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng; vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế. Ngoài ra, các hình thức thu hút nguồn lực còn có thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, cận lâm sàng; dịch vụ phi y tế; dịch vụ nhà thuốc; quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; mua trả chậm, trả dần đối với thiết bị y tế; tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước...
Về giá khám bệnh, chữa bệnh: Hiện đang có hai luồng ý kiến về giá dịch vụ khám chữa bệnh do cơ sở tư nhân cung cấp. Bên cạnh nhóm đồng tình với quy định trong dự thảo, nhóm ý kiến thứ hai đề nghị Nhà nước cần quy định khung giá dịch vụ như đang thực hiện ở một số nước.
Với các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 7 của Dự thảo chưa rõ chủ thể bị nghiêm cấm nên Ban soạn thảo cần xem xét lại.
Về kiểm tra, đánh giá năng lực khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề sau khi thực hành và do Hội đồng Y khoa thực hiện.
Bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Văn Thìn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho biết: Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật quan trọng của ngành y tế, định hướng công tác quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế; được Nhân dân, ngành y tế mong đợi, đặt nhiều kỳ vọng nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân và tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, việc chuẩn bị cần được thực hiện kỹ lưỡng để dự thảo Luật đảm bảo chất lượng, có tính ổn định lâu dài.
Trao đổi với phóng viên VOV2, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh: muốn nâng cao trình độ nhân viên y tế thì cần có cơ chế tài chính phù hợp, cần có thời gian cho họ học tập, nghiên cứu, bồi dưỡng. Tuy nhiên, hiện nay nhân viên y tế đang phải chịu áp lực do thu nhập thấp, nên phải làm các công việc khác hoặc làm ngoài giờ để bù thu nhập.
Vị đại biểu đoàn thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cần xem xét lại quy định về tiền lương của cán bộ y tế. Hiện các y bác sỹ trong bệnh viện đa số là người học y dược 6 - 10 năm ra trường, nhiều người còn đi học ở nước ngoài về, nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị ở bệnh viện không đáp ứng đủ, gây lãng phí chất xám. Quan trọng hơn hết là lương thấp, không đủ giữ chân họ ở lại. “Tại sao không áp dụng chúng tôi giống một số ngành như ngành BHXH chẳng hạn, họ được hưởng hệ số lương 1,8 mà chúng tôi chỉ được hưởng hệ số 1, vậy có công bằng không?”
Bên cạnh đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng cần phải xem xét lại vấn đề tự chủ trong bệnh viện. Tại sao những đơn vị được thí điểm tự chủ đều xin không thực hiện vấn đề này. Chính vì vậy Luật Khám chữa bệnh lần này cần phải xem xét thật kỹ đến vấn đề tự chủ tài chính như thế nào cho thấu đáo.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này. Chính vì vậy, những vấn đề còn bất cập trong dự Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần được xem xét thấu đáo để khi ban hành sẽ thực sự phù hợp với tình hình hiện tại và có sức sống lâu dài./.