Theo luật sư Vũ Thị Mai Phương - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, hành vi được coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là hành vi cố ý chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ.

Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thường bị nhầm với tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự hiện hành. Tuy nhiên, dù hàng hóa sản xuất ra có cùng kiểu dáng, nhãn mác tương tự như hàng thật, hàng được bảo hộ nhưng trong tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, chất lượng của hàng hóa có thể tương đương so với hàng được bảo hộ; còn trong tội sản xuất, buôn bán hàng giả thì hàng hóa không chỉ giả về chất lượng sản phẩm mà còn giả cả về hình thức - bao gói, nhãn mác...

1. Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

- Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;

- Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;

- Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;

- Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

2. Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ:

- Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;

- Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý;

- Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó;

- Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hóa hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy.

Luật sư Vũ Thị Mai Phương cho biết, theo quy định Điều 226 Bộ luạt hình sự 2015, người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Pháp nhân thương mai phạm tội này thì bị phạt từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Có tổ chức;

- Phạm tội 02 lần trở lên;

- Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;

- Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên;

- Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

Pháp nhân thương mại phạm tội tại khoản này thì bị phạt từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 2 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Trước đây, để khởi tố vụ án hình sự về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, cần phải có yêu cầu của bên bị hại. Nhưng theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, có hiệu lực từ ngày 1/12/2021 thì cơ quan chức năng có thể khởi tố tội danh này mà không cần yêu cầu của bên bị hại. Luật sư Nguyễn Văn Hưng – Phó Giám đốc Công ty Luật hợp danh The Light nêu quan điểm: "Trước đây để khởi tố tội danh này thì người bị hại hoặc đại diện người bị hại tức là người bị xâm phạm về sở hữu công nghiệp phải có đơn yêu cầu thì cơ quan điều tra mới xem xét. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm g khoản 6 Điều 18.77 Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với nội dung liên quan đến việc cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần yêu cầu của người bị hại; từ đó, đặt ra yêu cầu phải bỏ quy định dẫn chiếu đến hành vi này tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự. Thực tế ở Việt Nam việc vi phạm sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ rất nhiều mà chưa có cơ chế bảo vệ cụ thể, việc trao cho các cơ quan tố tụng quyền khởi tố điều tra vụ án không cần yêu cầu của người bị hại sẽ làm hiệu quả hơn hoạt động của các cơ quan chức năng của Việt Nam đấu tranh của chống các hành vi vi phạm, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam tại CPTPP."

Tuy nhiên để việc đấu tranh với các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đạt hiệu quả cao hơn, luật sư Vũ Thị Mai Phương - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng cần kết hợp thêm những giải pháp khác như: "Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính là cảnh cáo, phạt hành chính đối với tổ chức, các nhân vi phạm; bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp dân sự là kiện dân sự; tổ chức, cá nhân bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có thể kiện đối tượng xâm phạm theo con đường tòa án hoặc con đường kiện trọng tài quốc tế; có thể đề nghị phong tỏa tài khoản của bị đơn, tiêu hủy đối với tài sản vi phạm….; cuối cùng mới là bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hình sự là phạt tiền và truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình phạt cao nhất đối với cá nhân xâm phạm tội danh này là 3 năm tù, hình phạt về tiền cao nhất đối với các nhân là 2 tỷ đồng, pháp nhân là 5 tỷ đồng."