Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội:

Trong năm 2024, toàn quốc ghi nhận 135 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4936 người mắc và 24 trường hợp tử vong. So với năm 2023, số vụ tăng 10 vụ, số mắc tăng 2787 người, số tử vong giảm 4 người.

Đáng chú ý trong năm qua xảy ra 31 vụ ngộ độc thực phẩm lớn trên 30 người mắc và xảy ra chủ yếu tại bếp ăn tập thể và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt có những cơ sở kinh doanh bán thức ăn với số lượng lớn nhưng chưa được quan tâm kiểm tra, kiểm soát.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho biết, các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống không đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ bị xử lý theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP).

Hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp áp dụng cụ thể khác). Quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 01 tháng đến 06 tháng; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 12 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính… (khoản 2 Điều 2 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).

Cũng theo quy định tại khoản 3 Điều Nghị định 115/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP ngoài hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau:

Buộc tái xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm;

Buộc tiêu hủy thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, nguyên liệu, chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm có nội dung vi phạm; tang vật vi phạm; lô hàng thủy sản không bảo đảm an toàn thực phẩm;

Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;

Buộc thu hồi thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm vi phạm; tài liệu, ấn phẩm đã phát hành;

Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm vi phạm;

Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm;

Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm;

Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm;

Buộc ngừng việc sử dụng phương tiện vận chuyển;

Buộc hủy bỏ kết quả kiểm nghiệm, Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu;

Buộc nộp lại giấy tờ, tài liệu đã bị sửa chữa, tẩy xóa.

Đối với những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống mà gây chết người, bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 317 - Bộ luật hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm:

- Mức phạt tiền: Tối thiểu 200 triệu đồng; Tối đa 500 triệu đồng

- Mức phạt tù: Tối thiểu 03 năm; Tối đa 20 năm

- Hình phạt bổ sung:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng

Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

Mỗi món ăn, đồ uống của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của khách hàng. Do đó để được kinh doanh ngành nghề này thì cá nhân, tổ chức cần đáp ứng các quy định về các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Theo đó, Điều 28 tại Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống:

Bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến;

Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh;

Có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh;

Cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng;

Nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại;

Có thiết bị bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh, rửa tay và thu dọn chất thải, rác thải hàng ngày sạch sẽ;

Người đứng đầu đơn vị có bếp ăn tập thể có trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tại Điều 29 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống bao gồm:

Có dụng cụ, đồ chứa đựng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín.

Dụng cụ nấu nướng, chế biến phải bảo đảm an toàn vệ sinh.

Dụng cụ ăn uống phải được làm bằng vật liệu an toàn, rửa sạch, giữ khô.

Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Ngoài ra, tại Điều 30 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong chế biến và bảo quản thực phẩm:

Sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn, lưu mẫu thức ăn.

Thực phẩm phải được chế biến bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh.

Thực phẩm bày bán phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng và sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại; được bày bán trên bàn hoặc giá cao hơn mặt đất.