Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã đến lúc cần sửa đổi

Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012 tại Kỳ họp thứ 3, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013 đến nay. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, một số quy định trong luật hiện không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh khi trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). “Một số quy định của Luật Tài nguyên nước 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực, đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước…”, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh nêu thực tiễn.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước ở một số nơi còn chưa nghiêm, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa được thực hiện tốt; các cơ chế tài chính, chế tài, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả; các cơ chế hợp tác, giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới chưa đồng bộ; sự phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành; một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Tài nguyên nước,… Đây là những căn cứ cho thấy việc cần thiết phải sửa đổi Luật Tài nguyên nước, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Những bất cập về quản lý, sử dụng tài nguyên nước sẽ được xử lý

Căn cứ vào Hiến pháp năm 2013, các Nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội về quản lý tài nguyên nước, các đại biểu cho rằng về cơ bản, Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi đã đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Văn Quảng, Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, một số quy định trong Dự thảo vẫn chưa thật rõ ràng. Có thể kể đến là nội dung quy định tại điều 4. “Điều 4 quy định về bảo vệ tài nguyên nước với quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân. Khi đọc dự thảo, người ta sẽ không hiểu nội hàm về quyền và nghĩa vụ của họ như thế nào!”, đại biểu Nguyễn Văn Quảng nêu dẫn chứng.

Đại biểu Nguyễn Hữu Đông, Đoàn Sơn La cũng đồng thuận với phần lớn nội dung của Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét lần này. Song, ông cho rằng dự thảo Luật vẫn còn một số điểm cần làm rõ, quy định cụ thể hơn nữa. “Tại Điều 5, quy định về chính sách chung. Tôi thấy đây chỉ là quan điểm chung, chưa cụ thể hóa được nguồn lực dành cho việc phục hồi, tái tạo, phát triển tài nguyên nước một cách bền vững, phù hợp với tính cấp thiết trong yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội và chống biến đổi khí hậu. Do đó, tôi đề nghị nghiên cứu, quy định rõ về bổ sung tỷ lệ ngân sách địa phương chi cho đầu tư, tái tạo tài nguyên nước”, đại biểu Nguyễn Hữu Đông kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho rằng, những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng tài nguyên nước thời gian qua có từ sự chồng chéo giữa các luật, sự phối hợp thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả giữa các cấp, các ngành và các địa phương. Vì thế, theo bà vấn đề này cần phải được xem xét kỹ, quy định rõ ràng để sớm khắc phục. “Tôi đề nghị phải quy định rõ về cơ chế phối hợp giữa Bộ TN&MT với các bộ khác trong khai thác, sử dụng nguồn nước, đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo, gây lãng phí. Thí dụ, quy định phân cấp Bộ TN&MT quản lý ở mức độ nào, cấp tỉnh, thành phố ở mức độ nào và cấp huyện, xã ở mức độ nào”, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh kiến nghị.

Đại biểu Lò Việt Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La đánh giá cao vai trò của Luật Tài nguyên nước bởi nó tác động đến nhiều ngành và lĩnh vực cũng như đời sống của người dân. Vì thế, ông cho rằng để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, khi Luật Tài nguyên nước được Quốc hội thông qua, Chính phủ cũng cần thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc ban hành Thông tư hướng dẫn. “Khi luật thông qua, tôi đề nghị Chính Phủ chỉ đạo xây dựng Thông tư hướng dẫn, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương nhằm kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch về phát triển kinh tế xã hội có tác động tiêu cực đến rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, nhất là đối với các dự án như phát triển thủy lợi, thủy điện, khu du lịch…”, đại biểu Lò Việt Phương bày tỏ,

Theo kế hoạch, vào ngày 20/6 tới đây, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi. Chắc chắn những tồn tại, bất cập về mặt pháp lý trong quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên quý giá sẽ sớm được xử lý để hoàn chỉnh luật.