Gọi điện tới chương trình, ông Nguyễn Đình Lâm ở thôn Thanh Xuân, xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa trình bày: Ông và các hộ gia đình khác có một ngõ đi chung rộng 3m, dài 25m, lối đi này đã được thể hiện trên bản đồ lập năm 1985. Trong lúc gia đình ông đi vắng, gia đình anh Lê Thành Đồng đã xây tường bao ngõ vào đất của anh ấy, bắt tôi phải đi ra đất dự án. Ông Lâm đã làm đơn gửi UBND xã nhưng nhiều tháng trôi qua sự việc vẫn không được giải quyết.

Về trường hợp này của gia đình ông Lâm, luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Cty Luật TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Nếu lối đi chung đã được hình thành, thể hiện trên bản đồ địa chính năm 1985 và vẫn được các hộ gia đình sử dụng làm lối đi chung, không có sự biến động nào thì phần đất này vẫn sẽ được xác định là lối đi chung. Do đó, hành vi lấn chiếm lối đi chung là trái pháp luật, vi phạm Điều 12 Luật đất đai năm 2013. Việc các hộ gia đình như gia đình ông Lâm đã có lối đi khác không phải là căn cứ hợp lý và hợp pháp để biện minh cho việc lấn chiếm, sử dụng trái phép lối đi chung.

Theo tư vấn của luật sư Hùng, nếu lối đi chung là do các hộ gia đình tự nguyện thỏa thuận sử dụng phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình mình làm lối đi chung, và thuộc quyền sử dụng chung của các hộ gia đình, thì đây là vụ việc dân sự về tranh chấp đất đai, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Hiện nay, theo quy định tại Điều 203 Luật đất đai năm 2013 thì đối với tranh chấp đất đai mà đương sự có hoặc không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đều có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, trước khi khởi kiện tại Tòa án thì ông Lâm cần làm đơn đề nghị UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp tiến hành hòa giải theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013. Nếu UBND cấp xã hòa giải không thành thì ông Lâm mới có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án.

Nếu lối đi chung là đất công (thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương) thì ông Lâm có quyền làm đơn tố cáo hành vi lấn chiếm đất, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm, hủy bỏ Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật đối với phần đất là lối đi chung (nếu có) theo quy định của Luật tố cáo và Luật đất đai hiện hành. Trong trường hợp này, nếu ông Lâm không đồng ý với các hành vi hoặc quyết định hành chính liên quan đến vụ việc của các cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với các quyết định hoặc hành vi hành chính đó tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Mời quý vị nghe tư vấn của luật sư Nguyễn Đức Hùng về trường hợp của gia đình ông Nguyễn Đình Lâm tại đây: