Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp 4.0, giao dịch điện tử được thiết lập là điều tất yếu trong xã hội ngày nay. Các loại hình giao dịch điện tử bao gồm: Giao dịch điện tử trong cơ quan hành chính và dịch vụ hành chính công, giao dịch điện tử trong lĩnh vực thương mại điện tử, giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, giao dịch điện tử xuyên biên giới…
Trong giao dịch điện tử, dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất, bao gồm việc quy định quyền và nghĩa vụ của người tạo ra dữ liệu, quyền của người sử dụng dữ liệu, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng dữ liệu. Chính vì vậy, Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng và tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số.
Tuy nhiên, để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, đẩy mạnh chuyển đối số quốc gia, đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thích ứng với hoạt động của xã hội cũng như từng người dân, doanh nghiệp trong môi trường sống, lao động, sinh hoạt mới, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử cho phù hợp với điều kiện thực tế là rất cần thiết.
Trong đó, các đại biểu Quốc hội đều khẳng định cần đặc biệt chú trọng sửa đổi, bổ sung những quy định về bảo mật thông tin cá nhân trong mọi giao dịch điện tử.
Thực tế cho thấy, đã có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo vệ thông tin cá nhân như Luật An toàn thông tin mạng, Luật Công nghệ thông tin, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và một số luật chuyên ngành khác. Thế nhưng, các quy định chưa cụ thể và xác thực với hoạt động giao dịch điện tử.
Hơn nữa, thời gian qua, liên tiếp các sự việc lừa đảo trên không gian mạng chính là hồi chuông cảnh báo để các cấp các ngành cần nâng cao, siết chặt hơn nữa những quy định về bảo mật thông tin cá nhân.
Đại biểu Trần Kim Yến, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nêu thực tế, trong quá trình giao dịch điện tử, mua bán trên mạng, người mua cần cung cấp đầy đủ thông tin cho người bán. Thế nhưng, những thông tin đó có khi bị mua bán hoặc bị tuồn ra ngoài, có khi bị lợi dụng để làm những việc vi phạm pháp luật.
Chính vì vậy, theo đại biểu Trần Kim Yến, cần phải siết chặt hơn nữa cũng như xử lý nghiêm những trường hợp để lộ, lọt thông tin cá nhân. Đây không chỉ là trách nhiệm của người được tiếp cận thông tin mà còn là trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Hiện nay, trên thế giới đang chuyển đổi theo xu hướng lưu trữ điện tử, những tài liệu xuất bản trong tương lai phần nhiều sẽ ở dạng điện tử. Vì vậy, việc chuyển đổi dữ liệu giữa văn bản điện tử và văn bản giấy áp dụng trong các thủ tục hành chính sẽ ngày càng tăng.
Theo đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, để giảm thiểu tình trạng lộ, lọt thông tin, bảo đảm quyền lợi của người thực hiện giao dịch cũng như môi trường giao dịch lành mạnh, dự thảo luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp, các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng số, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc giám sát, xử lý các vi phạm.
Đại biểu Đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, những hành vi tiết lộ dữ liệu, tạo chữ ký số, giả mạo chữ ký số cũng cần được nghiêm cấm trong giao dịch điện tử. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung những hành vi trên vào dự thảo Luật để nâng cao hiệu lực của pháp luật và căn cứ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội cho phát triển giao dịch điện tử song đồng thời cũng như đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân. Để xây dựng một môi trường giao dịch điện tử an toàn, lành mạnh, việc nâng cao hiệu quả của các quy định pháp luật về bảo mật giao dịch điện tử hiện nay là nhiệm vụ hàng đầu và cấp bách.