Qua một số điện thoại quảng cáo làm bằng tốt nghiệp, phóng viên gọi điện đến số máy: 094.659...., đầu dây bên kia là một người đàn ông ra giá: Bằng đại học, giá chỉ 4 triệu đồng, THCS giá 2 triệu, bằng thạc sỹ chỉ 6 triệu, trong 3 ngày được cầm trong tay. Gọi đến một số điện thoại khác 0967.059.... được rao nhan nhản trên mạng với nội dung: Làm bằng giá rẻ, uy tín, không cần đặt cọc, chủ nhân số điện thoại cũng đưa ra nội dung tương tự nhưng kèm theo cam kết: Làm bằng rẻ nhưng khó phát hiện vì giống bằng thật tới 99%.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại nhìn nhận: Đây thực sự là thực trạng đáng báo động về mức độ liều lĩnh của các đối tượng. Hành vi làm giả các loại giấy tờ, bằng tốt nghiệm đại học, THCS, bằng thạc sĩ là hành vi trái pháp luật cần phải bị xử lý nghiêm minh. Theo quy định của pháp luật thì tùy vào tính chất, mức độ mà hành vi làm giả giấy tờ, bằng cấp sẽ bị xử lý ở các khung hình phạt khác nhau.

Theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự q=về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức thì người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Để thăng tiến trong công tác, không ít cá nhân đã dùng bằng giả và phút chốc mất cả sự nghiệp, tương lai... như vụ ông Thái Đình Hoàng, Trưởng phòng cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Lai Châu) đã bị tước danh hiệu công an nhân dân vì sử dụng bằng trung học phổ thông giả. Hay ông Đoàn Văn Nhuần, trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) bị cơ quan chức năng xác định đã sử dụng bằng Trung học phổ thông không hợp pháp để lập hồ sơ tuyển sinh vào học Trung học chuyên nghiệp….. Luật sư Nguyễn Hữu Toại cho biết: Những đối tượng sử dụng bằng giả cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý như các đối tượng làm bằng giả. “Về mặt nhận thức, người ta biết được các giấy tờ đó là giả, có nguồn cung cấp khác nhau như: Mua bán, tặng cho nhưng về ý chí là đã biết là giả nhưng vẫn sử dụng cho mục đích công tác hoặc cho mục đích nào đấy. Điều này tưởng rằng đơn giản nhưng lại gây nguy hiểm cho xã hội” - Luật sư Toại phân tích.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe nội dung cuộc trao đổi tại đây: