Chị Bùi Thu Thảo rời quê ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương lên Hà Nội để lập nghiệp đã 25 năm. Trải qua nhiều nghề khác nhau, chị trụ lại với nghề may mặc. Đi làm từ 7h sáng, chị luôn nhận làm thêm giờ để có thêm thu nhập, lắm khi 20h mới có mặt ở nhà. Con đã lớn, chị khao khát có một căn nhà riêng để gia đình thoát khỏi cảnh phải thuê trọ nay đây, mai đó, nhưng gọi điện đến đâu, chị cũng nhận được câu trả lời: Giá nhà đất giờ đã lên cao.

Vợ chồng chị Khánh Huyền quê ở một huyện miền núi thuộc tỉnh Tuyên Quang xuống Hà Nội làm công nhân tại một công ty tư nhân. 2 vợ chồng, 2 đứa con nhỏ sống trong căn phòng trọ chưa đầy 20m2 chật chội, lụp xụp ở gần KCN Thăng Long (Đông Anh) với giá 1,2 triệu đồng, chưa kể tiền điện, nước…. Lương công nhân ít ỏi, tiết kiệm lắm vợ chồng chị mới đủ chi phí sinh hoạt, chỉ còn dư một chút phòng khi con ốm đau hay về quê thăm bố mẹ, họ hàng. “Chắc chị phải đi thuê trọ cả đời, chẳng bao giờ dám mơ mua một căn hộ nhỏ” – chị Huyền bộc bạch.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, hiện nước ta có khoảng 16,8 triệu công nhân, hàng năm đang trực tiếp sản xuất, tạo ra trên 60% tổng sản phẩm trong nước và đóng góp 70% ngân sách Nhà nước. Là lực lượng có đóng góp lớn cho xã hội nhưng đời sống người lao động còn nhiều khó khăn, nhiều khu công nghiệp chưa có nhà ở cho người lao động, khoảng 70% lao động là người ngoại tỉnh phải đi thuê nhà. Do có thu nhập thấp nên hầu hết công nhân trong các KCN đều phải sống những ngôi nhà giá rẻ, chật hẹp, mất an ninh…. đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như đời sống của công nhân.

Theo nghiên cứu của Cushman & Wakefield Việt Nam – một công ty cung cấp dịch vụ bất động sản toàn cầu thì giá nhà ở tại Việt Nam tăng liên tục trong 5 năm qua, giá nhà ở tại Việt Nam cao gấp 20 lần so với thu nhập bình quân đầu người, trong khi đó ở các nước công nghiệp phát triển giá nhà ở chỉ cao gấp 6 – 7 lần mức thu nhập của người dân.

Giáo sư Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường phân tích, nhà đất hiện đang có giá “trên trời”. Người lao động không ăn tiêu gì thì vài chục năm, thậm chí cả trăm năm dành dụm, người lao động mới mua được một căn nhà. “Tôi đã tính giá đất cụ thể hiện nay ở Việt Nam, tăng khoảng 450 lần so với giá đất khi chúng ta bắt đầu đổi mới. Như vậy giá đất của chúng ta tăng kinh khủng, trong khi đồng lương của chúng ta thử xem tăng bao nhiêu lần kể từ khi đổi mới cho tới nay?” – ông Võ nói.

Có ý kiến nhìn nhận: Thị trường là thuận mua vừa bán, giá được xác định theo nhu cầu và việc giao dịch của các chủ thể trong thị trường. Tuy nhiên, thực tế Nhà nước chưa có đủ công cụ để kiểm soát việc đầu cơ, thổi giá đất đai. Đất đai hiện như một cuộc chơi đưa đi đẩy lại của một số người có tiền. Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng: Việt Nam đang trong quá trình phát triển, thu nhập của người dân nói chung, người lao động nói riêng còn thấp, thế nhưng giá nhà lại ở mức quá cao. Để giải quyết việc này, Nhà nước phải nghiên cứu nâng cao mức thu nhập của người lao động, cùng với đó, phải có chính sách bình ổn giá bất động sản, đừng để giá nhà đất “nhảy múa” như những năm qua. “Dịch Covid-19 xảy ra, mọi thứ đình trệ, thu nhập giảm trông thấy mà giá nhà lại tăng là điều bất bình thường và có dấu hiệu đầu cơ, thổi giá….” - ông Thanh nhận xét.

Trước thực trạng này, Nhà nước cũng đã có nhiều giải pháp để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Thế nhưng, đến nay số lượng nhà ở xã hội vẫn còn rất ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng lớn của người dân. Không chỉ hạn hẹp về quỹ đất, khi xây dựng nhà cho những đối tượng này rất “vướng” về thủ tục dẫn đến sự e ngại đáng kể đối với nhiều nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp rất muốn xây nhà ở xã hội nhưng đã “kêu trời” khi thủ tục quá rườm rà, “một cửa nhưng nhiều khóa”. Ông Nguyễn Chí Thanh nhìn nhận: Cần phải có chính sách cởi trói cho các doanh nghiệp xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp, cùng với đó có những gói tín dụng để doanh nghiệp và người lao động có thể dễ dàng tiếp cận khi xây hoặc mua nhà ở xã hội.

Hầu hết các nước trên thế giới đều có chính sách nhà ở xã hội và các chương trình phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở ở mức tối thiểu cho đối tượng là người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kiến tạo “chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện”, đặc biệt là các chính sách về tạo quỹ đất, thuế và tín dụng ưu đãi để thực hiện các dự án nhà ở xã hội và hỗ trợ tín dụng ưu đãi dài hạn cho người tiêu dùng để thuê mua, thuê nhà ở xã hội phù hợp với nhiều loại đối tượng khác nhau. Cùng với đó, các nước đã xây dựng căn nhà để công nhân thuê, phần còn lại là nhà ở xã hội thuê mua (mua trả góp dài hạn từ 20 - 30 năm). Chúng ta cũng nên áp dụng mô hình này để công nhân có được một nơi “an cư”, tránh để tình trạng người lao động có thu nhập thấp phải sống trong những căn nhà trọ tồi tàn do không có tiền để mua nhà như hiện nay.

Mời quý vị và các bạn nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với ông Nguyễn Chí Thanh tại đây: