Tối 10/2/2025, ba thiếu niên "kẹp ba" trên một xe máy đi dọc các con phố ở huyện Gia Lâm (thành phố Hà Nội) nhằm tìm "con mồi" để cướp tài sản. Khoảng 22h30, nhóm này chặn xe máy của cô gái 19 tuổi trong ngõ 5 Lã Côi, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, dí dao vào cổ đe dọa, cướp một điện thoại iPhone 11 Pro. 23h05 cùng ngày, nhóm lại chặn xe một thiếu niên 16 tuổi tại xóm 8 Lã Côi, xã Yên Viên, cướp điện thoại iPhone 11. Đến ngày 13/2, cơ quan công an đã xác định được ba nghi phạm gây án, thu tang vật là con dao gọt hoa quả.
Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng cho biết: Dựa theo quy định tại khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), cá nhân có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi đó được xem là cướp tài sản.
Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), khung hình phạt cao nhất với đối tượng có hành vi cướp tài sản là ngồi tù từ 18-20 năm hoặc tù chung thân. Tuy nhiên theo luật sư Nguyễn Văn Hưng, trường hợp người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội, do đặc thù tâm sinh lý của lứa tuổi này, khi áp dụng hình phạt, Tòa án sẽ căn cứ khoản 1, Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Theo đó, mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
Mời quý vị và các bạn nghe toàn bộ cuộc trao đổi của luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng với phóng viên VOV2: