Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam có diện tích khoảng 30 héc-ta, được chia làm 4 khu vực chính: Khu trung tâm; Khu vực hội nghị, hội thảo; Khu ẩm thực- vui chơi giải trí và Khu sản xuất. Trong đó, điểm nhấn là Tòa nhà S1 có hình quyển sách mở - là nơi trưng bày, lưu trữ di sản các nhà khoa học.
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí- người sáng lập Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, xuất phát từ ý tưởng muốn lưu giữ lại những góp ý, đánh giá của thầy cô giáo trong quá trình ông làm luận văn Phó Tiến sĩ, đồng thời lưu giữ các tài liệu hiện vật của các thầy, những đàn anh, người đi trước mình để cho chính bản thân mình, cho lớp đàn em nhiều thế hệ nữa được học tập, được noi theo và hiểu được những nhà khoa học chân chính của Việt Nam, ông cùng các đồng nghiệp đã thành lập Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam và ở Hòa Bình là Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Thạc sĩ Trần Bích Hạnh, Giám đốc điều hành Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam chia sẻ, với mong muốn dựng lại tiến trình lịch sử khoa học Việt Nam ở những thời kỳ lịch sử cụ thể với sự góp mặt của các nhà khoa học Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, chuyên ngành khoa học, 16 năm qua, đơn vị đã luôn nỗ lực trong công tác nghiên cứu, sưu tầm và mở rộng các địa bàn để tiếp cận các nhà khoa học trên mọi miền tổ quốc. Đến nay, gần 1 triệu hiện vật gắn liền với cuộc đời của gần 3.400 nhà khoa học đang được lưu trữ tại đây.
"Chúng tôi quan niệm rằng những hiện vật chúng tôi đưa về giới thiệu không phải là những hiện vật vô tri, vô giác mà hiện vật đó gắn với một giai đoạn, với những câu chuyện của các nhà khoa học. Phải làm thế nào để cho các hiện vật nói lên tiếng nói của bản thân mình".

Đến với kho lưu trữ tài liệu của gần 3.400 nhà khoa học tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, du khách không khỏi bất ngờ và choáng ngợp trước sự đồ sộ của khối tài liệu, hiện vật. Chiếc máy ảnh, sổ ghi chép, học bạ, nhật ký hay đơn giản là chiếc bút viết... mỗi kỷ vật tuy cũ kỹ, đơn sơ nhưng đều ẩn chứa những câu chuyện. Đó chính là minh chứng cho giá trị và những cống hiến của các nhà khoa học.
Năm nay có dịp về Việt Nam, chị Hoàng Ngọc Tú, con gái cố GS.TS Toán học Hoàng Hữu Như (một trong những người nghiên cứu Lý thuyết Xác suất và Thống kê Toán học hiện đại đầu tiên ở Việt Nam) quyết định đến Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam để thăm cha qua những kỷ vật.
"Tôi thực sự đã rất ngạc nhiên khi bước vào Trung tâm bởi có quá nhiều tài liệu, hiện vật của các nhà khoa học. Nhất là khi được tận mắt nhìn thấy những hình ảnh, đồ dùng của người cha thân yêu, tôi đã không kìm được nước mắt, rất xúc động", chị Hoàng Ngọc Tú chia sẻ.

Tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, mỗi công trình là một “tác phẩm nghệ thuật” độc bản, nhưng hài hòa với tổng thể chung như: Tòa nhà Cánh Bướm, Cánh Cam, con Công… khu nhà sàn của người Mường, hay tham gia chèo bè mảng, câu cá trên hồ, nhảy sạp… Bên cạnh đó là cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với điểm nhấn là suối Quy Thủy, hồ Tình yêu, rừng thông bạt ngàn... khiến bất cứ ai khi đến đây đều có cảm giác như mình lạc vào kho tàng kiến thức khổng lồ, rộng mở.
Vì thế, nếu có dịp bạn nên ghé thăm nơi đây bởi điểm đến này chắc chắn sẽ mang lại trải nghiệm rất khác biệt và những câu chuyện vô cùng ý nghĩa.