Sau 20 năm, ngành công nghệ thông tin đã trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, đồng thời gánh vác sứ mệnh quan trọng - sứ mệnh chuyển đổi số quốc gia. Doanh thu ngành năm 2022 đạt 148 tỷ USD, với tổng nhân lực trên 1,2 triệu người, gấp 300 lần về doanh thu và gấp 240 lần về quy mô nhân lực so với 20 năm về trước.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin nói chung và môi trường mạng nói riêng, không gian mạng cũng đã và đang ẩn chứa nhiều nguy cơ, thách thức đối với vấn đề bảo đảm an ninh mạng. Theo đó, hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi gây thiệt hại rất lớn cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Công an đã xử lý gần 800 vụ việc, với tổng số tiền thiệt hại lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo, tiền mã hóa trở nên phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố vi phạm pháp luật, thu hút số lượng lớn người tham gia với số lượng tiền giao dịch lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi tháng.
Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn đại biểu Thành phố Hà Nội cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội thời gian qua, vẫn còn đó nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là công tác phòng, chống tội phạm trên không gian mạng vẫn chưa thực sự khiến cử tri và nhân dân yên tâm.
Mạng xã hội là công cụ cần thiết cho việc học tập, làm việc, thu thập tin tức, trao đổi thông tin và giải trí. Chính vì vậy, chúng ta cần một môi trường mạng lành mạnh, an toàn và văn minh. Thế nhưng, tình trạng bạo lực mạng, lừa đảo, lan truyền tin giả vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ.
Theo quy định tại Điều 30 Luật An ninh mạng, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng sẽ được bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ an ninh mạng còn được bố trí tại Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Thời gian qua, lực lượng này đã thực sự phát huy hiệu quả, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được sự mong mỏi, kỳ vọng của người dân. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng cần thường xuyên rà soát môi trường thông tin trên mạng xã hội để nhắc nhở, cảnh cáo, có sự can thiệp phù hợp, kịp thời xử lý một cách thích đáng các loại hình tội phạm trên không gian mạng.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, Quốc hội có thể xem xét sửa đổi Luật An ninh mạng cho phù hợp với những bước phát triển mới của môi trường mạng xã hội, cũng như sự biến tướng của các loại hình tội phạm trên môi trường này.
Một nguyên nhân khiến cho tình trạng tội phạm nói chung và tội phạm trên không gian mạng nói riêng tăng cao cả về số vụ lẫn thiệt hại tài sản là do những khó khăn về kinh tế - xã hội sau hơn 2 năm trải qua đại dịch Covid - 19, đời sống, việc làm và thu nhập của một bộ phận người dân giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khác như: công tác phân tích, cảnh báo phương thức, thủ đoạn phạm tội cho người dân còn hạn chế, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức, thực hiện hiệu quả còn thấp.
Trong khi đó, các loại tội phạm với nhiều hình thức biến tướng mới và thay đổi liên tục như núp bóng công ty luật, công ty tài chính để đòi nợ thuê, tội phạm về tín dụng đen và các tội phạm trên không gian mạng khác…
Chính vì vậy, đại biểu Hoàng Quốc Khánh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cho rằng, Chính phủ cần đánh giá đầy đủ các nguyên nhân làm gia tăng tội phạm để từ đó có phương pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả. Đồng thời, đổi mới phương thức cảnh báo hành vi, thủ đoạn các loại tội phạm để người dân biết và chủ động hơn trong việc đấu tranh với tội phạm.
Ngoài ra, cần có biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số trước những thủ đoạn lừa đảo, giả mạo cơ quan chức năng, các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tài sản.
Trước những diễn biến phức tạp, tinh vi và nguy hiểm của tội phạm trên không gian mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, đại biểu Phạm Đình Thanh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đề nghị cần tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các cấp chính quyền phải thực sự vào cuộc cùng với cơ quan bảo vệ pháp luật tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh, phòng ngừa và xử lý tội phạm.
Hơn nữa, trong phòng ngừa tội phạm, cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật, quyết liệt phổ biến để người dân hiểu phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mới, tội phạm sử dụng công nghệ cao, phải làm cho người dân hiểu, cảnh giác, tự bảo vệ mình và tích cực đấu tranh tố giác hành vi vi phạm tội phạm.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất phức tạp, tác động sâu sắc đến tình hình trong nước, cùng với những khó khăn tích tụ trong đại dịch COVID - 19 đã làm cho các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật nhiều hơn so với các năm trước.
Ngoài ra, những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, cơ chế chính sách cũng như nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh mạng khó giảm
Tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, thời gian tới, Chính phủ và Bộ Công an sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, trật tự kỷ cương, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc, an toàn cho Nhân dân.