Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện bắt tạm giam Nguyễn Văn Linh (sinh năm 2000, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) và Thái Nguyễn Triều (sinh năm 2004, trú xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên) về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Theo đó, từ giữa năm 2024, Linh cùng đồng phạm đã tạo lập các tài khoản mạng xã hội Facebook, Tiktok tự xưng là nhân viên ngân hàng hỗ trợ trực tuyến việc xác thực tài khoản và nâng hạn mức giao dịch. Linh tìm kiếm các bài viết của những người dùng mạng xã hội đăng tải công khai cần xác thực tài khoản, rồi chủ động nhắn tin hỗ trợ. Sau đó, Linh và Triều đã yêu cầu bị hại cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP rồi thực hiện hành vi rút tiền trong tài khoản người bị hại. Với thủ đoạn này, Linh và đồng phạm đã chiếm đoạt được hơn 200 triệu đồng.
Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng cho biết: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Điều luật này có nhiều khung hình phạt tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và số tiền mà các đối tượng phạm tội chiếm đoạt được của nạn nhân. Theo đó, khung hình phạt nhẹ nhất được quy định tại Khoản 1 Điều luật là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; khung hình phạt nặng nhất quy định tại Khoản 4 của Điều luật là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản:
1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;
đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hưng, nếu không may bị lừa đảo trực tuyến, nạn nhân nên trình báo ngay cho cơ quan chức năng dù rằng nạn nhân có thể phải chờ một thời gian dài cho đến khi vụ việc của mình được giải quyết. Bởi việc tập hợp thông tin, thu thập chứng cứ và phá án có thể phải mất thời gian dài.
"Đáng mừng là hiện nay, từ các thông tin trình báo của người dân, các cơ quan chức năng sau khi thu thập đã lên các chuyên án đấu tranh, cũng đã phá rất nhiều các chuyên án lớn. Từ đó sẽ nhân rộng những kinh nghiệm để các cơ quan chức năng có thể đánh án một cách triệt để hơn, trên cơ sở đó trấn áp các đối tượng phạm tội này. Từ đó có thể là tìm cách thu hồi lại phần nào tài sản cho người dân để đỡ thiệt hại." - Luật sư Nguyễn Văn Hưng nhận định.
Tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm có đặc điểm, phương thức, thủ đoạn phạm tội hết sức tinh vi, khó bị phát hiện. Vì thế người dân cần hết sức cảnh giác để không “dính bẫy” của loại tội phạm này.
- Không cung cấp thông tin nhân thân như căn cước công dân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng..., hình ảnh cá nhân cho người lạ hoặc đăng tải lên mạng xã hội.
- Không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã PIN, mã OTP của các tài khoản ngân hàng, tín dụng, ứng dụng chứa tiền, tài sản khác.
- Không truy cập, đăng nhập vào các trang web, ứng dụng, phần mềm lạ, không rõ nguồn gốc. Cẩn trọng với các số điện thoại lạ, đặc biệt là các đầu số từ nước ngoài. Không thực hiện theo các yêu cầu khi nghe cuộc gọi từ số điện thoại lạ.
- Thường xuyên kiểm tra và cập nhật mật khẩu, các tính năng bảo mật và quyền riêng tư khác trên các ứng dụng, phần mềm và tài khoản ngân hàng.
- Kiểm tra, xác thực thông tin thật hay giả về cá nhân, cơ quan, tổ chức; Tỉnh táo, không vội vã thực hiện theo yêu cầu. Đồng thời, trình báo tại cơ quan Công an về những trường hợp tình nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Mời quý vị và các bạn nghe toàn bộ phần trao đổi của luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng với phóng viên VOV2: