Việt Nam là một trong những quốc gia có dân số sử dụng mạng xã hội đông nhất trên thế giới, với xấp xỉ 77 triệu người dùng, chiếm 78,1% dân số. Tuy nhiên, theo kết quả của Microsoft công bố nhân ngày quốc tế An toàn Internet, hiện Việt Nam nằm trong 5 quốc gia trên thế giới có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng.

Cuộc khảo sát của Microsoft cho thấy văn hóa ứng xử trên không gian mạng của người Việt chúng ta rất đáng lo ngại. Không gian mạng đã và đang góp phần đầu độc và tiêm nhiễm cả tương lai của một thế hệ trẻ sau này.

Thực tế cho thấy, hàng năm, có nhiều người trẻ đã bị sang chấn tâm lý và dẫn đến trầm cảm cũng chỉ vì những lời chỉ trích cay độc của cộng đồng mạng. Có người không vượt qua được cú sốc tâm lý và đã chọn cho mình cái chết.

Không những thế, những Tiktoker, Youtuber mọc lên như "nấm sau mưa" đưa ra những thông tin tiêu cực đầy nguy hại để câu view, câu like bất chấp mọi thủ đoạn, mọi văn hóa, biến những thứ tốt đẹp sạch sẽ thành những thứ độc hại và tiêm nhiễm thế hệ trẻ.

Chất vấn lvề ĩnh vực văn hóa, xã hội, đại biểu Tô Thị Bích Châu, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM lấy ví dụ từ việc Hoa hậu Ý Nhi và bộ phim "Đất rừng phương Nam" bị cộng đồng mạng "dập cho tơi bời". Đại biểu đặt vấn đề giải pháp nào để bảo vệ quyền lợi cho cá nhân, tổ chức bị cộng đồng mạng "bạo hành".

"Lúc đó ai bảo vệ họ, cách bảo vệ như thế nào, hay phải chờ họ khiếu nại, kiến nghị và làm đơn? Việc góp ý theo kiểu "đập cho chết, đập cho chừa" là rất nguy hiểm”, đại biểu nêu quan điểm.

Phát biểu tranh luận, đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai lại cho rằng, trách nhiệm của cơ quan quản lý cần làm rõ đâu là sai trái, đâu là những nét đẹp cần tôn vinh, cần thiết phải lắng nghe dư luận.

Đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh, dư luận xã hội là hình thức biểu hiện trạng thái của xã hội rất bình thường, dư luận có cái đúng, cái sai, cái tốt, cái xấu nhưng không phải ý kiến nào được nêu ra cũng để đánh cho ai đó chết mà là góp ý nêu quan điểm, làm cho mọi thứ rõ ràng và tốt đẹp hơn.

Do đó, chúng ta không nên đánh đồng các loại ý kiến dư luận, nhất là những góp ý để bảo vệ tính chân thực, bảo vệ sự thật, bảo vệ giá trị lịch sử. Trong công tác quản lý cơ quan nhà nước cần phải lắng nghe, theo dõi dư luận để có những điều chỉnh cần thiết, bởi mọi thứ đều có lý, không có lửa làm sao có khói.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay quản lý mạng xã hội sẽ được sửa đổi trong Nghị định 72 dự kiến được Chính phủ ban hành trong thời gian cuối năm 2023. Nghị định định này sẽ đặt ra vấn đề về quản lý mạng xã hội, trong đó có nội dung việc xâm hại đời tư, tấn công cá nhân sẽ bị xử lý như thế nào.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập trung tâm xử lý tin giả quốc gia, và sắp tới sẽ thành lập các trung tâm xử lý ở mức sâu hơn tại các tỉnh, thành để hỗ trợ người dân. Bộ sẽ cân nhắc ban hành quy định việc thành lập trung tâm xử lý tin giả trên không gian mạng ở cấp tỉnh trong năm 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc thực thi pháp luật với hành vi xâm hại đời tư cá nhân trên mạng xã hội ngày càng nghiêm minh hơn, điển hình gần đây là vụ việc liên quan tới bà Nguyễn Phương Hằng đã bị pháp luật xử lý.

Tuy nhiên, giải pháp căn cơ nhất cho vấn đề này là cần phải xây dựng được môi trường văn hóa số. Theo đó, đưa nội dung văn hóa số vào các trường học để giáo dục cho học sinh, qua đó nâng cao nhận thức cho người dân về văn hóa ứng xử trên mạng.

“Không gian mạng là môi trường hoàn toàn mới. Chúng ta sống ở thế giới thực hàng nghìn năm còn có nhiều vấn đề, huống chi là không gian mạng được mới hơn 20 năm. Vì vậy, xây dựng văn hóa, ứng xử trong môi trường số cần được đưa vào chương trình đào tạo phổ thông, lồng ghép chương trình công nghệ thông tin. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng hình thành nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người dân để tự bảo vệ mình, cách ứng xử" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm.

Tham gia làm rõ thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, nếu có các biểu hiện bôi xấu, bôi nhọ thì phải được tiếp tục xử lý. Vì vậy, hiện nay, đã có quy tắc ứng xử trên không gian mạng và Luật An ninh mạng. Do đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa cho rằng, văn hóa ứng xử không chấp nhận thói bôi xấu, bôi nhọ, cần có văn hóa ứng xử trên không gian mạng.

“Câu chuyện khen che, ý kiến khác nhau là bình thường, nhưng không thể coi thường, phán xét, nói xấu, bôi nhọ. “Lời nói không mất tiền mua, lựa lợi mà nói cho vừa lòng nhau, ý kiến không chỉ một chiều mà có văn hoá ứng xử”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, văn hóa không chỉ là nền tảng quan trọng về tinh thần mà còn là nền tảng quan trọng về vật chất, như các ngành công nghiệp văn hóa.

Chính phủ sẽ xây dựng một đại dự án về văn hóa, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa với những nhiệm vụ ưu tiên trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên VOV2 bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế bày tỏ sự lo lắng ngày càng nhiều những vụ tấn công, bạo hành trên không gian mạng gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, tâm lý không chỉ của người bị tấn công mà còn tác động đến dư luận xã hội.

Đại biểu cho rằng, từ sự việc của phim Đất rừng phương Nam, hoa hậu Ý Nhi cũng như nhiều câu chuyện khác, đòi hỏi các Bộ, ngành liên quan cần có sự nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các quy chuẩn, quy định về văn hóa ứng xử không chỉ trên không gian mạng mà còn ở mọi mặt của đời sống xã hội.

Khi thể chế hóa các văn bản quy phạm pháp luật, vấn đề xử lý, giải quyết sẽ trở nên dễ dàng hơn. “Ở các mức độ khác nhau, chúng ta chiếu vào quy định của Luật để xử lý như vậy sẽ công bằng hơn và góp phần ổn định, chấn chỉnh những hành vi không chuẩn”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nói.