Theo quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây: “Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; Có tư cách đạo đức tốt.”.
Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng điều kiện: “Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên” và “có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi” quy định tại điểm b và điểm c Khoản 1 điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2010.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Trong trường hợp có nhiều người cùng muốn nhận một người làm con nuôi thì thứ tự ưu tiên được quy định sau đây: Thứ nhất là ưu tiên cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi; Thứ hai là công dân Việt Nam thường trú ở trong nước; Thứ ba là người nước ngoài thường trú ở Việt Nam; Thứ tư là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài và cuối cùng là người nước ngoài thường trú ở nước ngoài. Trường hợp có nhiều người cùng hàng ưu tiên xin nhận một người làm con nuôi thì xem xét, giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt nhất.
Nhằm đảm bảo quyền lợi và thể hiện sự tôn trọng ý kiến của trẻ em khi các em đã có nhận thức cơ bản, thì tại Điều 21 Luật nuôi con nuôi năm 2010 cũng quy định “trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.”
Luật cũng quy định những người không được nhận con nuôi, đó là người đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; người đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; người đang chấp hành hình phạt tù và người chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
Để được pháp luật công nhận thì việc nhận nuôi con nuôi phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước thì theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, cơ quan có thẩm quyền đăng ký là UBND xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi.
Mời quý vị nghe luật sư Nguyễn Đức Hùng nêu các quy định về thủ tục nhận nuôi con nuôi và việc ghi vào giấy khai sinh của con nuôi tại đây: