Sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020, tình hình phát triển nhà ở trên cả nước đã đạt được những kết quả tích cực, đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, như: miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp... Với các chính ưu đãi, khuyến khích nêu trên, đến nay chúng ta đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000 m2. Tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do:

"- Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội;

- Hiện nay Nhà nước chưa có chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân giúp đảm bảo chỗ ở cho người lao động trong khu công nghiệp.

- Nguồn vốn cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp, vẫn còn nhiều hạn chế.

- Luật Nhà ở năm 2014 đã có các quy định các ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội; tuy nhiên, chưa đủ hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

- Bên cạnh đó, một số quy định liên quan đến việc xác định đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách NOXH, việc xác định giá bán, giá thuê, thuê mua NOXH, trình tự thủ tục đầu tư còn phức tạp…"

Ông Hà Quang Hưng cho biết thêm, đầu tháng 4/2023, Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030. Để đạt mục tiêu này, cần có biện pháp đồng bộ để tháo gỡ những vướng mắc về nhà ở xã hội như:

- Về phía các bộ ngành: Sớm hoàn thiện, ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi) đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), pháp luật về Thuế, trong đó tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách về nhà ở xã hội, về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; trình tự thủ tục thực hiện dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… đồng thời có chính sách riêng khuyến khích phát triển nhà lưu trú công nhân, nhà ở dành cho lực lượng vũ trang.

- Về phía các địa phương:

+ Căn cứ chỉ tiêu được giao, UBND các tỉnh, thành phải triển khai lập, phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể đầu tư các dự án nhà ở xã hội theo từng năm và theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030.

+ Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn.

+ Có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng...

+ Rà soát, phối hợp với các Bộ ngành liên quan giải quyết các dự án còn gặp vướng mắc về pháp lý trong giai đoạn vừa qua nhằm giải phóng các nguồn lực, tạo nguồn cung ngay cho thị trường.

- Về phía các doanh nghiệp: các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp sử dụng nhiều công nhân, người lao động phải quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động.

Pháp luật về nhà ở đã quy định cụ thể 08 nhóm đối tượng được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội, trong đó có nhóm đối tượng là người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Theo đó để mua nhà ở xã hội phải đáp ứng 3 điều kiện sau: (1) có khó khăn về nhà ở; (2) có đăng ký thường trú (hoặc tạm trú từ 1 năm trở lên) nơi có nhà ở xã hội; (3) không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

"Theo quy định thì các dự án NOXH sau khi khởi công, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến dự án (tên dự án; chủ đầu tư dự án; địa điểm xây dựng dự án; địa chỉ liên lạc, địa chỉ nộp đơn đăng ký; tiến độ thực hiện dự án; quy mô dự án; số lượng căn hộ; giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua (tạm tính); thời gian bắt đầu và kết thúc nhận đơn đăng ký v.v. để công bố công khai tại Cổng Thông tin điện tử của Sở Xây dựng. Trước khi thực hiện việc bán, cho thuê, cho thuê mua, chủ đầu tư phải báo cáo và Sở Xây dựng thực hiện công bố công khai tại Cổng Thông tin điện tử của Sở Xây dựng trong thời gian tối thiểu là 30 ngày làm việc kể từ thời điểm bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở tại dự án." - ông Hà Quang Hưng cho biết thêm.

Mời quý vị và các bạn nghe toàn bộ phần tư vấn của ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng với các câu hỏi cụ thể của thính giả: