Thời gian gần đây, tội phạm công nghệ cao lợi dụng tình hình dịch Covid-19, đặc biệt là hiểu biết hạn chế về các tính năng bảo mật thông tin của người dùng để thực hiện hành vi lừa đảo lấy cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dân. Vì nhẹ dạ cả tin, kém hiểu biết nên nhiều người đã bị các đối tượng lừa đảo giả danh nhân công an, tòa án, viện kiểm sát rồi giả mạo tin nhắn của Y tế, của ngân hàng để nhắn tin, gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên khắp các tỉnh thành cả nước. Mặc dù các cơ quan chức năng và phương tiện truyền thông đã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo về loại tội phạm này song vẫn có nhiều người bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Mất vài chục triệu thậm chí hàng tỷ đồng chỉ trong chốc lát qua một cuộc điện thoại

Hơn 60 tuổi, có nhiều năm buôn bán dọc Bắc vào Nam, và nhiều chuyến hàng xuyên biên giới, nhưng bà Nguyễn Thị Thành, trú tại phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 20 triệu đồng một cách nhanh chóng chỉ bằng một cuộc điện thoại.

Bà Thành kể: "Bọn chúng gọi điện cho tôi và tự xưng mình là công an có địa chỉ ở bên 44 Yết Kiêu, Hà Nội. Sau đó cáo buộc tôi là có một khoản nợ và một tài khoản ở ngân hàng được bọn buôn bán ma túy chuyển vào đó gần 7 tỷ, giờ công an lập chuyên án điều tra và yêu cầu tôi phải cung cấp thông tin. Bọn chúng còn nắm rõ ngày tháng năm sinh, địa chỉ nhà tôi và nói là có một người tên Thư và Long ở trong thành phố HCM buôn bán ma túy, chuyển tiền vào tài khoản của tôi. Đúng là tôi có một cô cháu tên Thư ở trong TP.HCM". Thấy họ biết rõ thông tin của mình như vậy nên bà Thành lo lắng và nhờ họ giải quyết giúp. Đầu dây bên kia yêu cầu bà Thành không được nói chuyện này với ai, kể cả các con để gia đình không bị ảnh hưởng. Chúng cũng yêu cầu bà kết kết bạn zalo và gửi lệnh truy nã cho bà thành và yêu cầu bà phải chuyển 20 triệu đồng để chúng có chi phí lập chuyên án điều tra, hứa hẹn sau 24h sẽ trả.

Sau khi dễ dàng chiếm trọn số tiền 20 triệu đồng đó, các đối tượng lừa đảo tiếp tục quay lại yêu cầu bà Thành phải chuyển thêm 50 triệu vào tài khoản của bọn chúng. Thấy số tiền quá nhiều, sinh nghi, bà Thành không chuyển thì bọn chúng dở mọi chiêu trò, thủ đoạn dọa nạt để bà Thành phải làm theo yêu cầu.

Bà Thành chỉ là một trong số những nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại như vậy, đã có có những vụ lừa đảo khác mà nạn nhất mất tới tiền tỷ. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này có đặc điểm chung là sử dụng phần mềm công nghệ cao giả số điện thoại công khai của các cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát, giả danh nhân viên các cơ quan tư pháp để gọi vào điện thoại nói có liên quan đến vụ án, chuyên án đang điều tra và hù dọa làm cho người dân hoang mang, lo sợ để khai thác thông tin cá nhân.

Còn rất nhiều những thủ đoạn khác mà tội phạm lừa đảo thường sử dụng, có thể liệt kê ra một vài chiêu thức phổ biến:

Thứ nhất, gọi điện thông báo trúng thưởng: Hình thức rất phổ biến của chiêu thức này là người tiêu dùng (NTD) nhận được cuộc gọi của đối tượng lạ, tự xưng là nhân viên của Công ty nào đó thông báo trúng thưởng. Để tạo lòng tin cho NTD, khi gọi điện đến, các đối tượng đều tự xưng là người của cơ quan chức năng có uy tín hoặc chương trình đã được Bộ Công Thương cấp phép, thậm chí cung cấp đầy đủ tên công ty, địa chỉ, số điện thoại hotline, zalo để tạo dựng niềm tin.

Đối với hình thức này, NTD thường không tìm hiểu, kiểm chứng mà liên hệ ngay số điện thoại đã được đối tượng lạ cung cấp và làm theo hướng dẫn. Cũng có nhiều người cũng cố tìm hiểu thông tin nói trên thông qua công cụ tìm kiếm google, dù không tra được kết quả rõ ràng nhưng vẫn cả tin thực hiện theo yêu cầu của đối tượng lạ. Vì số tiền hoặc món hàng trúng thưởng có giá trị lớn nên khi đối tượng lạ yêu cầu NTD phải đóng vài triệu làm tiền cọc để nhận thưởng, thậm chí còn hứa hẹn khi trả thưởng sẽ trả lại số tiền cọc đó, NTD đã ngay lập tức mắc bẫy và nhanh chóng chuyển tiền.

Thứ hai, mời chào mua hàng để tiếp tục nhận mã trúng thưởng: Hình thức này, sau khi được thông báo trúng thưởng, ngoài hình thức chuyển tiền thuế, đối tượng lừa đảo còn đưa thêm chiêu trò dụ dỗ NTD mua thêm sản phẩm để nhận thêm mã quay thưởng với lời hứa hẹn càng mua nhiều sản phẩm thì càng trúng thưởng nhiều. NTD cũng không tìm hiểu, xác minh thông tin, tiếp tục đặt mua những sản phẩm với trị giá cao từ vài triệu đến hơn chục triệu với mong muốn trúng được nhiều phần thưởng.

Ở chiêu trò này, nhiều NTD có thể biết mình bị lừa nhưng vẫn cố theo đuổi hoặc chờ đợi, thậm chí vẫn tin và hy vọng một ngày nào đó mình sẽ nhận được phần thưởng giá trị lớn theo như hứa hẹn. Đến khi không còn niềm tin nữa thì cũng không có cách nào liên hệ lại với họ.

Vì sao thủ đoạn không mới nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy?

Luật sư Đặng Văn Cường, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, trong số các nguyên nhân khiến nhiều người sập bẫy lừa đảo là sự nhẹ dạ cả tin và thiếu hiểu biết. Với sự phát triển của không gian mạng và công nghệ 4.0 như hiện nay, các đối tượng có thể giả giọng nói để dễ thực hiện lừa đảo với phương thức ngày càng tinh vi.

Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An cho rằng, nhiều người dân hiện nay vẫn thiếu cẩn trọng, vô tư khi cung cấp thông tin cá nhân của mình. Thậm chí khi biết thông tin cá nhân bị lộ, nhiều người coi đó là bình thường và không tố giác với cơ quan chức năng, tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo lên kế hoạch và thực hiện hành vi đưa "con mồi" vào bẫy.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa cho biết: Hành vi của các đối tượng lừa đảo qua điện thoại điện thoại, tin nhắn giả danh cá nhân, cơ quan, tổ chức khác để đưa ra những thông tin gian dối nhằm làm cho bị hại tin tưởng nghe theo, từ đó chiếm đoạt tài sản là hành vi có dấu hiệu của tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015” (mức phạt cao nhất là tù chung thân - khi chiếm đoạt từ 500 triệu trở lên, hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp). Luật sư Giáp cũng nhấn mạnh, việc giả danh công an dọa dẫm triệu tập và bắt giữ người qua điện thoại là vô căn cứ vì theo quy định, không chỉ riêng cơ quan cảnh sát điều tra, tất cả cơ quan nhà nước khi làm việc với người dân phải làm việc bằng văn bản, việc sử dụng điện thoại hay tin nhắn để gọi, mời người dân chỉ có thể được thực hiện mục đích mời người dân đến trụ sở làm việc, hay hỏi một số thông tin cơ bản nhưng cũng phải được sự đồng ý của người dân, chứ không thể gọi điện, nhắn tin yêu cầu người dân làm việc này, việc kia như: chuyển tiền, hay nộp phạt …

Có quá nhiều cạm bẫy và chiêu trò lừa đảo tinh vi. Để phòng tránh việc bị lừa đảo thì người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, không tin và thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng, không cung cấp các thông tin cá nhân và thông tin về tài khoản của mình cho các đối tượng lạ; Không chuyển tiền cho bất cứ ai, theo bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời cảnh giác với những thông tin mà đối tượng lạ cung cấp. Trường hợp cần thiết yêu cầu đối tượng đó cung cấp đầy đủ thông tin về họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại (đối với đối tượng là cá nhân); tên Công ty, địa chỉ cụ thể, số điện thoại, mã số thuế, giấy phép đăng ký kinh doanh (đối với đối tượng là doanh nghiệp). Sau đó cần tìm hiểu và xác minh thông tin của đối tượng đó thông qua các nguồn thông tin khác./.