Một thính giả giấu tên gửi thư về chương trình Pháp luật và Xã hội của VOV2 nêu băn khoăn:
Bố tôi qua đời cách đây không lâu và không để lại di chúc. Gần đây, tôi có yêu cầu mẹ kế được chia thừa kế đối với phần di sản của bố tôi để lại, bao gồm hai căn nhà và 2 mảnh đất. Thế nhưng, mẹ kế tôi không đồng ý, bà cho rằng, đây là tài sản do bố tôi và bà chung sức tạo dựng nên thuộc quyền sở hữu của mẹ con bà, còn tôi là con riêng của bố tôi thì không được quyền. Xin hỏi như vậy có đúng không?
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho biết, di sản thừa kế gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác (Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015). Tài sản riêng là tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng; Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng (Điều 43 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014). Tài sản chung là tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung (Điều 33 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014).
Trong trường hợp người mất không để lại di chúc, căn cứ tại điểm a khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015 xác định việc chia di sản thừa kế của người mất theo pháp luật thì di sản thừa kế sẽ được chia cho những người thuộc các hàng thừa kế quy định điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 được xác định như sau: “a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết…”.
Thính giả là con đẻ của người chết, nên theo quy định của Điều 651 Bộ luật Dân sự, thính giả thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố thính giả, cùng hàng thừa kế với mẹ kế của mình.
Theo quy định, “những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau” trừ trường hợp những người đồng thừa kế không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản (khoản 2, 3 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015).
Quy trình yêu cầu phân chia di sản thừa kế: Thông báo về việc mở thừa kế; Xác định người thừa kế, hàng thừa kế; Họp mặt những người thừa kế để thỏa thuận về nội dung, cách thức phân chia di sản thừa kế (phải lập thành văn bản). Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia (Khoản 2 Điều 660 Bộ luật dân sự năm 2015). Văn bản khai nhận di sản, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế cần được công chứng, chứng thực (Điều 57, Điều 58 Luật Công chứng năm 2014).
Trong trường hợp các đồng thừa kế phát sinh tranh chấp không thể thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được thì có thể thực hiện qua các phương thức sau: Tổ chức lại cuộc họp gia đình và giải thích cho những người đồng thừa kế hiểu và thống nhất những vấn đề liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế dựa trên pháp lý và đạo lý; Nhờ bên thứ ba (người thân thích, người có uy tín trong dòng họ; hoặc Ủy ban nhân dân xã/phường) hòa giải; Nếu một trong các đồng thừa kế không nhất trí với nội dung thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế thì có thể làm đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân có thẩm quyền (nơi cư trú của một trong các đồng thừa kế là bị đơn) để yêu cầu tòa án phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.
Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội: