Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Luật sư Đinh Thị Chúc, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:

Xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp là sự kiện lớn, mang ý nghĩa lịch sử, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lần đầu tiên được tổ chức ở nước ta. Không chỉ sắp xếp về tổ chức, bộ máy, cán bộ, chính quyền mới phân cấp về thẩm quyền, bố trí lại đơn vị hành chính, phân bổ về nguồn lực và tạo không gian phát triển.

Đây được xem là bước đột phá, là cuộc cách mạng trong cải cách tổ chức bộ máy nhằm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Theo đó, cũng có sự thay đổi trong nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực xây dựng.

Luật sư Đinh Thị Chúc, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, để triển khai, thực hiện hiệu quả đối với sự kiện đổi mới quan trọng trong việc cải cách nền hành chính của nước ta trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 140/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ 1/7/2025, hết hiệu lực vào ngày 1/3/2027. Theo đó, nguyên tắc phân định thẩm quyền được quy định tại Điều 2 của Nghị định. Đó là:

1. Đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp, phù hợp với nguyên tắc, quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp của Luật Tổ chức chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương;

2. Bảo đảm phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn và năng lực của cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân định; không trùng lặp, chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa chính quyền địa phương các cấp và giữa các cơ quan, tổ chức thuộc chính quyền địa phương;

3. Bảo đảm phân định rõ thẩm quyền giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân; phân định rõ thẩm quyền chung của Ủy ban nhân dân và thẩm quyền riêng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân;

4. Bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của cơ quan, xã hội, người dân và doanh nghiệp; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận thông tin, thực hiện các quyền, nghĩa vụ và các thủ tục theo quy định của pháp luật;

5. Bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát quyền lực gắn với trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên;

6. Bảo đảm không ảnh hưởng đến việc thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

7. Nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phân định thẩm quyền do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định.

Ngoài các nguyên tắc chung nêu trên, việc phân định thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng phải bảo đảm chuyển nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong các luật chuyên ngành, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư về chính quyền địa phương cấp xã; một số nhiệm vụ chuyển lên chính quyền địa phương cấp tỉnh phù hợp với quyền hạn và năng lực của cấp tỉnh, những nhiệm vụ có tính chất liên xã, liên ngành và có chuyên môn kỹ thuật cao mà năng lực của cấp xã chưa đáp ứng.

Tại Điều 4 Nghị định 140/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 có quy định nhiệm vụ, thẩm quyền về giấy phép xây dựng, cụ thể đó là:

1. Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 103 Luật Xây dựng năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020) do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.

2. Thẩm quyền chấp thuận về địa điểm xây dựng quy định tại khoản 9 Điều 53 Nghị định số 175/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xây dựng về quản lý hoạt động xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.

3. Trình tự, thủ tục và các nội dung liên quan đến giấy phép xây dựng, chấp thuận về địa điểm xây dựng thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 175/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2024 của Chính phủ.

Đối với nhiệm vụ, thẩm quyền liên quan đến quản lý hoạt động xây dựng thì được quy định tại Điều 7 Nghị định 140/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025. Theo đó:

1. Nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014 do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.

2. Nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020) do cơ quan được giao quản lý xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.

3. Nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn theo phân cấp, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về đầu tư xây dựng cho cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; phối hợp, hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp trên tổ chức triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra và giám sát các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn do mình quản lý, chịu trách nhiệm về quản lý chất lượng công trình xây dựng thuộc phạm vi quản lý được phân công; thực hiện báo cáo định kỳ và hàng năm về tình hình quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của địa phương gửi Ủy ban nhân dân cấp trên để tổng hợp, theo dõi và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 164 Luật Xây dựng năm 2014 do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.

4. Việc chấp thuận vị trí, hướng tuyến, tổng mặt bằng của dự án đầu tư xây dựng tại khu vực không có yêu cầu lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác quy định tại khoản 5 Điều 121 Nghị định số 175/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2024 của Chính phủ do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện theo nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp.

5. Việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định đầu tư quy định tại khoản 5 Điều 121 Nghị định số 175/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2024 của Chính phủ do cơ quan được giao quản lý xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

6. Việc thẩm định đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của xã khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh, phân cấp thẩm quyền quy định tại điểm c khoản 7 Điều 121 Nghị định số 175/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2024 của Chính phủ do cơ quan được giao quản lý xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.

7. Việc quản lý trật tự xây dựng quy định tại điểm b khoản 8 Điều 121 Nghị định số 175/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2024 của Chính phủ do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp.

8. Việc theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm trên địa bàn; thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại điểm d khoản 8 Điều 121 Nghị định số 175/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2024 của Chính phủ do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện./.