Tình hình xuất, nhập cảnh trái phép của công dân Việt Nam cũng như người nước ngoài ngày càng có dấu hiệu phức tạp, đặc biệt có xu hướng gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân. Song, nhập cảnh trái phép là hành vi vi phạm, trái với quy định pháp luật và trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.

- Về mặt khách quan, nhập cảnh trái phép là hành vi từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu trái với quy định pháp luật về nhập cảnh của Việt Nam, cụ thể là không có các giấy tờ theo quy định về nhập cảnh như: không có hộ chiếu, thị thực; có nhưng đã quá hạn hoặc sử dụng hộ chiếu giả hoặc giấy thông hành, nhập cảnh giả để nhập cảnh.

- Về mặt chủ quan, tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Động cơ, mục đích không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Chủ thể thực hiện hành vi có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài hoặc không quốc tịch có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này.

Theo luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội, trường hợp người có quốc tịch Việt Nam vượt biên ra nước ngoài rồi trở về Việt Nam mà không có đủ giấy tờ xuất nhập cảnh, thì đó là hành vi xuất cảnh và nhập cảnh trái phép, do không đáp ứng đúng yêu cầu về điều kiện nhập cảnh theo quy định của Luật Xuất cảnh 2019, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

“Giấy tờ xuất nhập cảnh” bao gồm các loại hộ chiếu (hộ chiếu ngoại giao; hộ chiếu công vụ; hộ chiếu phổ thông) hoặc giấy thông hành có thời hạn xác định (tùy theo từng loại hộ chiếu và thẩm quyền của người xuất nhập cảnh). Công dân Việt Nam được nhập cảnh khi có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng.

Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết: "Tùy từng trường hợp mà hành vi nhập cảnh trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc phải chịu hình phạt theo quy định của Bộ luật hình sự. Việc người vi phạm bị áp dụng chế tài nào sẽ tùy thuộc vào tính chất của hành vi vi phạm và nhân thân của người vi phạm (có tiền sự hay chưa)." Cụ thể như sau:

+ Với những đối tượng lần đầu thực hiện hành vi nhập cảnh trái phép, cơ quan có thẩm quyền có thể xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Phạt tiền từ 3 triệu - 5 triệu đồng đối với hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục nhập cảnh theo quy định (điểm a khoản 3 Điều 18);

+ Phạt tiền từ 15 triệu - 25 triệu đồng đối nếu người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (điểm a khoản 5 Điều 18).

+ Ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (nếu có), trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm. Đồng thời, đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều 18 Nghị định trên, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm mà có.

+ Với những đối tượng đã bị xử phạt hành chính về hành vi nhập cảnh trái phép rồi mà còn vi phạm, sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “Vi phạm quy định về nhập cảnh” theo Điều 347 Bộ luật hình sự. Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

"Còn những đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ vào tính chất, mức độ hành vi và động cơ của người vi phạm" - Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết thêm.

Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép là hành vi dụ dỗ, lôi kéo, tạo điều kiện, sắp xếp để người khác nhập cảnh mà không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép được hiểu là hành vi làm trung gian giữa các bên để thu xếp cho người khác nhập cảnh mà không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

+ Trong trường hợp xử lý vi phạm hành chính, người thực hiện hành vi tổ chức, môi giới, giúp sức, xúi giục, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác nhập cảnh, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu - 40 triệu đồng, theo quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

+ Nếu hành vi tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép được thực hiện với động cơ vụ lợi thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép (Điều 347 Bộ luật hình sự) với khung hình phạt là từ 01 - 05 năm tù. Nếu thực hiện hành vi phạm tội đối với 5-10 người hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu - 500 triệu đồng, khung hình phạt là từ 5-10 năm tù; nếu phạm tội đối với 11 người trở lên, thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên hoặc làm chết người, người phạm tội có thể phải đối mặt với mức án từ 7 - 15 năm tù.

+ Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu - 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm./.

Mời quý vị và các bạn có thể nghe toàn bộ phần trao đổi của phóng viên chương trình với luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội: