Chiều ngày 18/2 vừa qua, một nam sinh viên ở Khoa Kinh tế - du lịch, Trường cao đẳng Lào Cai đang chạy bộ tập thể dục thì bất ngờ bị 2 con chó to lao vào tấn công, cắn xé. Rất may, người dân đã phát hiện và giải cứu thành công. Nạn nhân sau đó được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, có hàng chục vết thương lớn ở khắp cơ thể.

Sáng 19/2, hai du khách nước ngoài đang đi bộ trên đoạn đường thuộc xã Vĩnh Hiệp, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thì bị một con chó nặng khoảng 20 kg, không rọ mõm lao đến tấn công. Hậu quả là một du khách bị nhiều vết thương phức tạp, phải nhập viện phẫu thuật cắt lọc, khâu vết thương và khâu cơ.

Trước đó, một bé trai 8 tuổi ở xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước bị chó nhà hàng xóm cắn liên tiếp vào tay và cổ tay. Dù được cấp cứu nhưng vết thương quá nặng, cháu bé đã tử vong trên đường đến bệnh viện.

Tại tỉnh Thái Nguyên trước đây cũng xảy ra vụ chó cắn người dẫn đến tử vong. Cháu bé 7 tháng tuổi sang nhà bà nội tại xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ đã bị một con chó mới được đưa về nuôi cắn nát vùng cánh tay trái, vùng hậu môn…, phải khâu đến 200 mũi. Sau hơn 1 ngày điều trị, nạn nhân tử vong do vết thương quá nặng.

Theo thống kế của Cục thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, những năm gần đây, bình quân mỗi năm ở nước ta có khoảng từ 400.000 - 500.000 người bị vật nuôi tấn công, trong đó có nhiều vụ dẫn đến thiệt hại về tính mạng. Luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty luật Minh Bạch cho rằng, điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo từ mối hiểm họa khôn lường cho gia đình nuôi cũng như cộng đồng dân cư.

Thực tế khi ra đường hiện nay chúng ta vẫn dễ dàng gặp những con chó không rọ mõm, không dây xích vẫn được thả tự do trong công viên hay ở đường làng, ngõ xóm. Thế nhưng, không ít trường hợp khi bị vật nuôi tấn công thì chủ nuôi cho rằng đó là do nạn nhân hoảng sợ, chạy chứ thực chất không phải do vật nuôi của họ dữ, và câu mà bất cứ ai cũng có thể nghe được từ chủ nuôi là “không cắn đâu”.

Theo quy định, khi muốn nuôi động vật như chó thì người dân phải đăng ký với tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn để lập danh sách, trình UBND cấp xã, phường cấp sổ quản lý. Vật nuôi phải được tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung. Người nuôi thường xuyên xích, nuôi nhốt trong nhà, không được thả rông. Khi dắt chó đi dạo nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm... Tuy nhiên, ở các địa phương, nhất là vùng nông thôn, việc này hầu như bị bỏ ngỏ.

Có ý kiến cho rằng chính việc thực hiện không nghiêm những quy định về quản lý vật nuôi từ các cấp chính quyền cho đến chủ vật nuôi là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ chó cắn người gây thương tích thậm chí tử vong liên tiếp xảy ra trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, nhiều vụ vật nuôi tấn công người đi đường, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng mức xử phạt hiện nay được đánh giá vẫn còn quá nhẹ. Như vụ việc nam sinh viên Lào Cai, UBND phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nuôi số tiền 1,5 triệu đồng đồng thời sẽ chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí viện phí liên quan đến quá trình điều trị và hỗ trợ kinh phí trong 6 tháng để gia đình chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho nạn nhân.

Một số địa phương với mục tiêu kiên quyết dẹp tình trạng chó thả rông để đảm bảo cảnh quan đô thị, môi trường sạch sẽ và an toàn cho người đi đường đã thành lập các đội bắt chó thả rông. Tuy nhiên khi triển khai cũng gặp nhiều khó khăn như một số người dân rất thích chó to, chó dữ, sẵn sàng tấn công người lạ, kể cả đội bắt chó. Thêm nữa là theo quy định của pháp luật là việc bắt giữ chó phải qua 48 giờ thì mới được xử lý, tuy nhiên nhiều chó vô chủ nên việc nuôi chó, nhốt chó bắt giữ ở đâu cũng là một điểm khó khăn.

Theo Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty luật Minh Bạch, điều quan trọng nhất là nâng cao ý thức cho người dân trong việc nuôi chó, mèo cùng với đó là sự vào cuộc triệt để, chặt chẽ và ráo riết hơn nữa của các cấp chính quyền, có như vậy mới hạn chế những vụ việc đáng tiếc xảy ra cho chính bản thân gia đình chủ nuôi và những người xung quanh.

Có thể nói, vật nuôi là nhu cầu, thú vui của mỗi người, nhưng điều quan trọng là người nuôi phải có trách nhiệm quản lý và chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật khi để vật nuôi cắn người. Các nhà làm luật, các nhà quản trị xã hội ở cấp trung ương và địa phương cũng cần phải nhanh chóng vào cuộc và coi đây là một hiện tượng, tiếng chuông cảnh tỉnh để có hành động cụ thể bằng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tuyên truyền, áp dụng pháp luật để bảo đảm an toàn cho mọi công dân.

Mời nghe âm thanh tại đây: