Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2017 tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nhấn mạnh việc ban hành Luật Quy hoạch đã giảm được hàng trăm quy định của pháp luật về quy hoạch, giúp giảm chi phí, công sức cho việc lập, thực hiện quy hoạch, xóa bỏ tình trạng chồng chéo, cản trở do phải tuân thủ quá nhiều quy định pháp luật khác nhau.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc cả trong các quy định tại Luật Quy hoạch; các luật, pháp lệnh liên quan về quy hoạch. Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam bày tỏ băn khoăn về chất lượng của các quy hoạch khi cho rằng chúng ta đang gặp rất nhiều vướng mắc, từ cơ sở pháp lý; nguồn lực cho đến năng lực đội ngũ đơn vị tư vấn; quản lý nhà nước…, đặc biệt là hạn chế về nguồn kinh phí. Một lĩnh vực quan trọng như vậy mà kinh phí dành cho đầu tư quá ít thì hiển nhiên chất lượng sẽ không đảm bảo.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên thường trực Hội kiến trúc sư Hà Nội cho rằng: Luật quy hoạch khi ban hành được hy vọng sẽ khắc phục những tồn tại của hơn 20.000 quy hoạch chồng chéo, manh mún. Tuy nhiên, theo ông Ánh, kết quả triển khai Luật rất chậm. Đến nay mới chỉ có Bắc Giang và Bộ GTVT hoàn thành quy hoạch. Việc có đơn vị làm nhiệm vụ tư vấn cho 21 bản quy hoạch cũng khiến ông Ánh đặt ra câu hỏi về chất lượng của các quy hoạch này.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường vụ UB Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần công khai quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch sao cho dễ hiểu, dễ tiếp cận với mọi đối tượng. Chất lượng, tính đồng bộ của quy hoạch phải đặt lên hàng đầu. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch và nâng cao chất lượng quy hoạch trong thời gian tới, trước tiên là sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch trên và thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và phù hợp tình hình thực tiễn; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch.
Các quy hoạch phải làm sao phát huy được tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia và khắc phục được hạn chế, khó khăn, mâu thuẫn, chồng chéo, yếu kém, thách thức của các ngành, lĩnh vực, vùng, lãnh thổ và các địa phương; đồng thời, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của đất nước.
Mời quý vị nghe toàn bộ ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia về vấn đề này tại đây: