Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17/11/2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Đấu giá tài sản đã đạt nhiều kết quả cụ thể, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về trình tự, thủ tục đấu giá chung, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá.

Đồng thời, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, nhất là tài sản công.

Hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ. Hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như: Pháp luật về đấu giá tài sản còn một số quy định chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan, chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập, chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn chưa có hiệu quả, tình trạng "quân xanh, quân đỏ", "thông đồng, dìm giá" trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp…

Theo Bộ Tư pháp, trong 5 năm (từ năm 2018 - 2022) đã có 142 cuộc thanh tra đối với hoạt động đấu giá tài sản, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là gần 2 tỷ đồng, có một số vụ được chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra đối với đấu giá viên có sai phạm.

Bê cạnh đó, việc trả giá cao gấp hàng chục, hàng trăm lần so với giá khởi điểm rồi bỏ cọc là thực tế đã tạo tiền lệ xấu cho nhiều cuộc đấu giá tài sản. Điển hình như những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao liệu một kịch bản tương tự có xảy ra đối với 3 mỏ cát vừa trúng đấu giá gần 1.700 tỷ đồng tại Hà Nội. Trong đó, mỏ Châu Sơn trúng thầu với giá cao gấp khoảng 140 lần mức giá khởi điểm, mỏ Tây Đằng - Minh Châu gấp khoảng 46 lần và mỏ Liên Mạc gấp khoảng 204 lần.

Trong phiên thảo luận về Luật đấu giá tài sản (sửa đổi), đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang khắng định, hiện nay vẫn còn tình trạng chưa thực hiện hoặc có thực hiện nhưng chưa nghiêm nhất là tình trạng trúng đấu giá nhưng không mua tài sản đã trúng đấu giá và tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước gây lũng đoạn thị trường, chuyển nhượng tài sản trúng đấu giá sau khi chúng đấu giá khi tài sản đó chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng; tình trạng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính sau khi trúng đấu giá.

Đại biểu Trần Văn Khải, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam chia sẻ, trong thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất là xác định năng lực tài chính “vốn thực có” của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Việc này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay “đấu giá hộ” do không đủ nguồn lực tài chính, nhiều trường hợp "dựa hoàn toàn" vào ngân hàng bảo lãnh. Hay trường hợp bỏ cọc, trúng đấu giá xong triển khai dự án trì trễ…

Chính vì vậy, theo chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản là rất cần thiết, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá diễn ra hiệu quả, lành mạnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá hiện nay. Cùng với đó, đấu giá là một nghề cần phải được đào tạo bài bản từ kiến thức đến kỹ năng tổ chức đấu giá, từ đó để có đội ngũ đấu giá viên chuyên nghiệp.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản cơ bản giữ nguyên các quy định của Luật Đấu giá tài sản đang còn phù hợp và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản, bổ sung 1 Điều mới quy định về: tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền, nghĩa vụ và việc thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, trong đó có tính đến một số loại tài sản đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tổ chức đấu giá và hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài Chính cho rằng, trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Đấu giá tài sản và khắc phục các hạn chế, bất cập còn tồn tại, nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, đặc thù trong hoạt động đấu giá tài sản, tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản, bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) với mong muốn phù hợp với thực tiễn và góp phần chấn chỉnh lại hoạt động đấu giá tài sản, tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản, tạo cơ sở cho người có tài sản lựa chọn tổ chức đấu giá một cách công khai, minh bạch, hạn chế "sân sau", tiêu cực trong hoạt động này. Tuy nhiên, nhiều quy định cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để ngăn chặn được những tiêu cực, bất cập trong hoạt động đấu giá tài sản hiện nay.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh: