Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu..., Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc sửa đổi Luật lần này nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến ba nguyên tắc khi sửa đổi Luật, đó là lựa chọn một số quy định đang tồn tại nhiều mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, gây cản trở, yêu cầu cấp bách phải sửa đổi ngay; Thứ hai đẩy mạnh phân cấp quản lý cho các địa phương; Thứ ba, những nội dung được sửa đổi có tính độc lập nhất định và có thể kế thừa để sau này sửa luật hoàn chỉnh tiếp theo.

Trước băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội về việc cần thận trọng hoặc chưa phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II các di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục di sản thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy định tại Điều 32 Luật Di sản văn hóa, việc xây dựng các chương trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ của di tích, trong đó bao gồm cái di tích thuộc danh mục di sản thế giới thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Như vậy là quyết định này không yêu cầu phải có chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

“Việc phân cấp thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh đối với dự án này tại khu vực bảo vệ II của di tích là phù hợp, thống nhất về quy định của Luật Di sản văn hóa. Để tránh việc lợi dụng làm ảnh hưởng đến các di sản văn hóa, Chính phủ đã quy định bổ sung về thẩm định sự phù hợp của dự án với yêu cầu bảo vệ phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ngay từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư để tránh tình trạng triển khai rồi mới xin ý kiến”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dũng, quy định này góp phần đẩy mạnh việc quản lý, tạo cơ chế để theo dõi, giám sát các dự án đầu tư tại khu vực di tích để có cơ sở tham vấn, trao đổi với các tổ chức quốc tế.

Một vấn đề “nóng” khác được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ đó là việc sửa đổi quy định về hình thức sử dụng đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại tại Điều 75 của Luật Đầu tư công (hay Điều 23 luật Nhà ở).

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch-Đầu tư cho biết, các quy định về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại đã phát sinh nhiều vướng mắc. Những vướng mắc này đã kéo dài từ năm 2014. Mặc dù đã được sửa đổi tại Điều 75 của Luật Đầu tư năm 2020 nhưng thực chất vẫn chưa giải quyết được những bất cập, thậm chí còn tạo ra những phân biệt đối xử.

“Với các trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc là không có một phần đất ở dù chỉ là một mét vuông thì không được chấp thuận chủ trương đầu tư. Điều này gây lãng phí rất nhiều nguồn lực hiện nay và thiếu hụt về cung cầu nhà ở, làm cho giá nhà ở có phần tăng lên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Cũng vì vướng Luật mà đến nay rất nhiều dự án thương mại đã bị ách tắc như Thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 150 dự án); Hà Nội (102 dự án), Bình Dương (khoảng 40 dự án)...

Để tháo gỡ vướng mắc, Chính phủ đề xuất sửa đổi Điều 75 Luật Đầu tư cho phép các nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất gồm cả ba loại đất: Đất nhà ở; Đất ở và các loại đất khác; các loại đất khác mà không phải là đất ở nếu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì được thực hiện dự án nhà ở thương mại theo phương thức là chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư và không phải qua đấu giá, đấu thầu…

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng để kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi, tránh lợi dụng chính sách để chuyển mục đích sử dụng đất tràn lan, Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định: loại trừ tất cả các trường hợp phải thu hồi đất theo quy định bao gồm cả thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu theo quy định của Luật Đất đai hay bán tài sản công theo Luật tài sản công;

Thứ hai, bổ sung quy định: khi chuyển mục đích sử dụng đất thì phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

Thứ ba, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phải xác định nghĩa vụ tài chính theo sát giá thị trường và theo đúng quy định của Luật đất đai.

Trong quá trình lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương cũng như ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận đây là vấn đề lớn và rất khó.

“Nếu chúng ta không xử lý, giải quyết thì nó sẽ ách tắc và không khơi thông được nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nếu chúng ta làm không chặt chẽ, không thận trọng sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng”, ông Dũng nhấn mạnh.