Thực trạng quản lý và sử dụng đất công
Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá của quốc gia. Vấn đề quản lý sử dụng đất đai một cách hợp lý và có hiệu quả luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Để quản lý và sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ tốt nhất quyền và lợi ích của các chủ thể trong xã hội, nhà nước thực hiện chủ trương phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương quản lý đất đai trên cơ sở pháp luật.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, các cấp chính quyền địa phương đã thực hiện thẩm quyền quản lý đất đai của mình trên cơ sở quy định của pháp luật. Các chính sách đất đai bước đầu phát huy hiệu quả, đất đai được sử dụng ngày càng có hiệu quả, tiết kiệm hơn, tiềm năng đất đai đã được khai thác phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và yêu cầu cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số chính quyền địa phương chưa thực hiện một cách nghiêm chỉnh về pháp luật đất đai. Không ít địa phương có biểu hiện tùy tiện trong việc giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất công.
GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khóa 15 cho biết, việc đất công bị bỏ hoang, sử dụng không hiệu quả xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan như: Quy hoạch chưa hợp lý, thiếu tính khả thi. Nhiều dự án được phê duyệt nhưng sau đó lại bị đình trệ, bỏ dở, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Thêm nữa, thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho các chủ đầu tư, làm chậm tiến độ các dự án. Cùng với đó là ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, công chức còn hạn chế, dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Một thời gian khá dài các cấp ủy và chính quyền chưa thật sự chú trọng quan tâm trong việc quản lý, khai thác sử dụng nguồn tài nguyên này cho mục đích chung, đặc biệt là tạo quỹ đất sạch đấu giá, thu hút đầu tư tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Hậu quả của tình trạng này là rất nghiêm trọng, không chỉ gây lãng phí một nguồn tài nguyên quý giá mà những khu đất bỏ hoang còn trở thành nơi trú ẩn của tội phạm, gây mất an ninh trật tự. Bên cạnh đó, việc sử dụng đất không hiệu quả cũng làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Không để lãng phí đất công
Một trong những vấn đề nhức nhối mà không ít địa phương trong đang gặp phải, đó là lấn chiếm đất công. Hàng trăm trường hợp với diện tích lấn chiếm lên đến hàng chục nghìn mét vuông gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội và mỹ quan đô thị. Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương là một ví dụ. Hiện nay, các cấp chính quyền ở thành phố Thủ Dầu Một đang triển khai các giải pháp thu hồi, quản lý đất công.
Tại phường Phú Thọ, TP. Thủ Dầu Một, qua thống kê có 99 hộ dân ở khu phố 5 và khu phố 8 lấn chiếm gần 32.000m2 đất công. Từ năm 2023 đến nay, địa phương đã vận động, thu hồi được 5.341m2, phần diện tích còn lại đang được đo đạc để tiếp tục thu hồi. Ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thọ cho biết, công tác thu hồi còn gặp nhiều khó khăn do các hộ dân đã lấn chiếm lâu đời. Do đó, địa phương tiếp tục tập trung tuyên truyền, phân tích cho người dân hiểu rõ những quy định của pháp luật đất đai, cùng với đó, vận động người dân tự giác tháo dỡ, trao trả đất công. Nếu quá thời gian vận động mà không thực hiện, phường sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý theo quy định.
Không chỉ công tác thu hồi đất công mà việc quản lý sau khi thu hồi cũng là một bài toán nan giải, cần được quan tâm đúng mức. Ở phường Phú Cường, sau khi thu hồi đất, phường triển khai ngay kế hoạch xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống người dân. Bên cạnh đó, phường Phú Cường còn có kế hoạch sử dụng đất công hàng năm, phát huy sức mạnh tổng hợp của cán bộ và người dân trong công tác giám sát. Đặc biệt, phường tăng cường kiểm tra, rà soát định kỳ các khu đất công, phối hợp với các khu phố để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Nhờ đó, tình trạng lấn chiếm đất công trên địa bàn phường được ngăn chặn hiệu quả.
Còn tại phường Hiệp An, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đất công, phường Hiệp An đang triển khai mô hình “Số hóa các dữ liệu về quản lý đất công trên địa bàn phường”. Ông Trần Trọng Khánh, Chủ tịch UBND phường Hiệp An cho biết, mô hình số hóa giúp người dân dễ dàng nắm bắt thông tin về tình hình quản lý đất công của địa phương, đồng thời biết rõ ranh giới các thửa đất để tránh tình trạng lấn chiếm. Đây là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hệ thống quản lý đất công minh bạch và hiệu quả.
“Chúng tôi số hóa các nội dung như số tờ của bản đồ, số thửa, thể hiện hình dáng, diện tích và pháp lý của từng thửa đất. Hệ thống cũng tích hợp mã QR công bố kế hoạch sử dụng đất của phường, giúp người dân tra cứu thông tin dễ dàng. Việc số hóa dữ liệu cũng giúp cán bộ quản lý truy xuất thông tin nhanh chóng, tham mưu cho lãnh đạo địa phương trong công tác quản lý đất công hiệu quả”, ông Trần Trọng Khánh, Chủ tịch UBND phường Hiệp An khẳng định.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khóa 15, Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với cơ quan, người có thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai. Cùng với đó, dự thảo Luật quản lý tài sản công cũng có quy định về các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công và chế tài xử lý vi phạm, các hành vi gây thiệt hại về tài sản công sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng cường công tác quản lý đất công để chống lãng phí. Đồng thời, có chế tài đồng bộ, cụ thể để xử lý những trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích, nhất là tại các vị trí có lợi thế, có khả năng sinh lời cao.
Việc chống lãng phí, sử dụng hiệu quả đất công là một nhiệm vụ lâu dài và phức tạp. Do đó, cùng với việc hoàn thiện các quy định pháp luật, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát định kỳ, chuyên đề và đột xuất công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công trong đó có đất công sao cho minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm. Cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và sự đồng lòng của người dân để giải quyết. Bởi đất đai được sử dụng hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khóa 15: