Luật Giao thông đường bộ quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cc, người đủ 18 tuổi trở lên mới được lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50cc trở lên. Người lái xe tham gia giao thông phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển... Tuy nhiên trên thực tế, có rất nhiều em học sinh chưa đủ tuổi nhưng đã điều khiển xe gắn máy, xe mô tô đến trường.

Trên nhiều tuyến đường gần các trường THPT, không quá khó để bắt gặp hình ảnh các em học sinh mặc quần áo đồng phục nhưng lại điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có dung tích trên 50 cc. Khi được hỏi lý do lựa chọn loại xe khi chưa đủ tuổi thì các em đều có chung câu trả lời là vì thấy “ngầu”, “xe đẹp” mà phớt lờ đi những quy định về an toàn giao thông.

Ghi nhận tại trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, số học sinh tham gia giao thông bằng xe máy có dung tích trên 50cc khá nhiều. Hầu hết các em đều chưa có bằng lái xe và ý thức tham gia giao thông còn kém. Đa phần thường không đội mũ bảo hiểm, đi hàng hai, hàng ba, chở quá số người quy định, lạng lách đánh võng trên đường, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe mà thông chốt hoặc quay đầu khi thấy tổ tuần tra.…. Đây là những nguyên nhân chủ yếu khiến tai nạn giao thông liên quan đến học sinh tăng cao.

Dẫu biết, hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng em H - một học sinh lớp 12 trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn vẫn được bố mẹ cho phép điều khiển xe máy đến trường cũng bởi vì không tiện đưa đón.

“Em cũng có nghe về quy định người dưới 18 tuổi không được điều khiển xe trên 50cc. Nhưng do em ở xa bố mẹ cũng không đưa đón được nhiều nên bố mẹ mua xe cho em đi. Mấy tháng nữa em lên đại học rồi nên em thấy nó cũng hợp lý”, em H chia sẻ.

Theo Luật sư Nguyễn Thị Phương Anh, Công ty Luật A&H, dây là một thực tế rất đáng báo động, bởi lẽ, thời gian qua, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do học sinh dưới 18 tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện gây ra.

Cách đây không lâu, công an huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn T, sinh năm 1982, trú tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai về tội “Giao cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” và quyết định khởi tố bị can đối với lái xe H, 16 tuổi, con trai ông T về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Theo hồ sơ, H đã gây ra vụ tai nạn kinh hoàng lúc 6h34, tại thuộc thôn Vĩnh Hải, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, khiến 5 người bị thương phải nhập viện cấp cứu, nhiều xe máy hư hỏng nặng. Cơ quan pháp y nhận định, tổng tỷ lệ thương tích của cả 5 nạn nhân khoảng 50%.

Trước đó, tại Gia Lai, ông Lê Văn Th, 57 tuổi, trú tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai cũng bị khởi tố về hành vi tương tự khi giao xe máy cho con trai là em H, 15 tuổi điều khiển, dẫn đến va chạm với xe máy khác. Hậu quả là em H tử vong.

Công an Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với chị L về hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, dẫn tới gây tai nạn. Trước đó, chị L Lan giao xe máy cho con trai 17 tuổi tham gia giao thông. Con trai chị L đã gây ra tai nạn làm 1 người chết, 1 người bị thương. Con trai chị L cũng bị đa chấn thương, vỡ phức tạp vùng sọ…, phải nhập viện cấp cứu.

Tháng 3 vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã đưa ra xét xử bị cáo Rơ Ma Pil, sinh năm 1986 về hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, Pil giao xe máy có dung tích xi lanh 109cm3 của mình cho con trai là Rơ Mah Tinh đi lại phụ giúp công việc hàng ngày. Tháng 10 năm ngoái, Tinh lái xe máy chở 2 người khác và tông vào xe máy hướng ngược lại khiến 4 người tử vong. Trong phiên xét xử, bà Pil nói rằng không nghĩ tới việc giao xe cho con khi con chưa đủ tuổi chạy xe phân khối lớn, chưa có giấy phép lái xe là vi phạm pháp luật.

Có thể thấy hậu quả xảy ra do người chưa đủ tuổi, thiếu kiến thức cần thiết khi lái xe gắn máy là vô cùng lớn. Theo thống kê, trong năm 2023, cả nước xảy ra gần 900 vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh trong đó có gần 740 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện, làm chết 378 người, bị thương 658 người.

Điều đáng nói là người giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi thành niên lại chính là cha, mẹ, người thân trong gia đình. Dẫu biết rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vì sự tiện lợi, thậm chí đổ lỗi cho hoàn cảnh gia đình mà người lớn phải mua xe và giao xe cho con, trong khi các con chưa đáp ứng được quy định của pháp luật về tham gia giao thông.

Theo Luật sư Phương Anh, việc giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện điều khiển không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người được giao xe mà còn vi phạm Luật Giao thông đường bộ và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cho cả người giao phương tiện khi gây tai nạn giao thông.

Chính vì vậy, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý cả những điểm giữ xe gắn máy có nhận giữ xe của học sinh chưa đủ tuổi lái xe – đây có thể coi là nơi bao che cho học sinh đi xe gắn máy, xe phân khối lớn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, các bậc phụ huynh cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên nhắc nhở con em mình về những mối nguy hiểm tai nạn giao thông có thể xảy ra.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Luật sư Nguyễn Thị Phương Anh, Công ty Luật A&H: