Các đại biểu đều nhất trí, trong những năm qua, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã từng bước đáp ứng nhu cầu của xã hội trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, phương tiện giao thông cơ giới tăng vọt.

Thống kê cho thấy cả nước hiện nay có khoảng 57,1 triệu giấy phép lái xe, trong đó 47,6 triệu giấy phép lái xe máy, 9,5 triệu giấy phép lái ô tô. Bên cạnh đó, có khoảng 340 cơ sở đào tạo lái xe và 137 Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ thuộc các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân.

Dù vậy, thực tế vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại như: chương trình đào tạo chưa phù hợp, sát thực tế, việc giáo dục đạo đức văn hóa người lái xe còn bị coi nhẹ. Đặc biệt, qua một số vụ án Công an phát hiện liên quan đến các Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe thời gian qua cho thấy có hàng chục nghìn trường hợp học viên không học lý thuyết, nhiều cơ sở đào tạo lái xe cắt giảm thời gian học thực hành kỹ năng lái xe, việc tổ chức sát hạch còn hình thức, dễ dãi....

Điều đó cho thấy, công tác quản lý người lái xe sau sát hạch vẫn bị bỏ ngỏ, sau khi được cấp giấy phép lái xe hầu như không có biện pháp quản lý. Thực tế này dẫn đến nhiều trường hợp lái xe không đủ sức khỏe, tâm thần, nghiện ma túy mà vẫn ngang nhiên điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tiến Nam, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh cần chú trọng biện pháp quản lý người lái xe sau sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Đặc biệt, cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác này.

Thông qua giấy phép lái xe tích hợp thông tin cần thiết của người lái xe từ các hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan, có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quản lý, trao đổi thông tin giữa cơ quan xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và cơ quan quản lý giấy phép lái xe.

Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Tiến Nam đề xuất dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (sửa đổi) cần bổ sung quy định tính điểm giấy phép lái xe. Đại biểu cho rằng, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước, không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Bởi, trên thực tế, có nhiều người liên tục vi phạm luật giao thông trong một thời gian ngắn nhưng chế tài xử lý chưa đủ mạnh.

Hơn nữa, trên thế giới, nhiều nước áp dụng biện pháp này như một cách đánh giá thái độ của lái xe đối với vi phạm, buộc họ phải ý thức hơn để không bị tước giấy phép lái xe hoặc phải học lại, thi lại mới được cấp giấy phép lái xe trở lại.

Cũng cùng quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng nên đưa quy định tính điểm bằng lái đối với tài xế vào dự thảo luật này.

Trong đó, có thể đưa ra mức 16 hoặc 20 điểm và nếu tài xế vi phạm, bị trừ đến số điểm tối đa bao nhiêu sẽ bị hủy bằng, phải thi lại để được cấp.

"Trước đây chúng ta đã tiến hành bấm lỗ bằng nhưng sau đó bỏ, còn giờ thì nên trừ điểm. Tuy nhiên, không phải lỗi nào cũng trừ điểm, mà những lỗi như vi phạm tốc độ nghiêm trọng, gây hậu quả sẽ bị trừ điểm cụ thể", đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ.

Lý do được đại biểu đưa ra là trong điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì việc ứng dụng công nghệ số trong xử lý vi phạm giao thông là tất yếu, kể cả việc tính điểm, trừ điểm giấy phép lái xe như một số nước (Trung Quốc, Đức) hiện nay đang thực hiện.

Quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước văn minh, hiện đại để quản lý cả quá trình chấp hành luật của lái xe, thay vì quản lý từng hành vi đơn lẻ. Đồng thời đề nghị cần nghiên cứu cách trừ điểm cho phù hợp với đối tượng, hành vi và bảo đảm tính khả thi và phải học lại, thi lại giấy phép lái xe khi đã bị trừ đến một số điểm nhất định.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu bổ sung thêm hình thức trừ điểm giấy phép lái xe sẽ phát sinh thủ tục hành chính, thêm hình thức xử lý vi phạm, gây phiền hà và áp lực cho người được cấp giấy phép lái xe./.