Thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp bị cơ quan chức năng hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Có thể kể đến như việc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã ra quyết định hủy niêm yết cổ phiếu Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR). Lý do là bởi Công ty Trung An bị tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2023. Đồng thời, Công ty kiểm toán AASCS không thể đánh giá và định lượng mức độ ảnh hưởng của các vấn đề liên quan đến các báo cáo tài chính năm 2023 của công ty. Theo đó, hơn 78 triệu cổ phiếu TAR bị hủy niêm yết từ ngày 21/05.

Trước đó không lâu, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với 279,6 triệu cổ phiếu POM của Công ty cổ phần Thép Pomin do vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp. Ngày giao dịch cuối cùng đối với cổ phiếu ngành thép này là ngày 9/5/2024.

Cùng chung cảnh ngộ, 69,3 triệu cổ phiếu QBS của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình cũng chính thức bị Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh hủy niêm yết từ ngày 10/5 do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2023 của công ty. Theo báo cáo tài chính năm 2023 đã kiểm toán, doanh thu của Xuất nhập khẩu Quảng Bình ghi nhận 453,2 tỷ đồng, lỗ sau thuế 41 tỷ đồng, trong khi báo cáo tài chính công ty tự lập là âm 22 tỷ đồng, tương ứng mức thua lỗ chênh lệch tăng thêm hơn 18,9 tỷ đồng.

Ông Tô Trần Hoà, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (Nghị định số 155/2020/NĐ-CP), cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc khi:

- Tổ chức niêm yết hủy tư cách công ty đại chúng theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

- Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 01 năm trở lên;

- Tổ chức niêm yết bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành;

- Cổ phiếu không có giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng;

- Cổ phiếu không đưa vào giao dịch trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày sở giao dịch chứng khoán chấp thuận đăng ký niêm yết;

- Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét;

- Tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại do tổ chức lại, giải thể hoặc phá sản;

- Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp;

- Tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp;

- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sở giao dịch chứng khoán phát hiện tổ chức niêm yết giả mạo hồ sơ niêm yết;

- Tổ chức niêm yết bị xử lý vi phạm về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7 Điều 12 Luật Chứng khoán;

- Tổ chức niêm yết bị đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với ngành nghề hoặc hoạt động kinh doanh chính;

- Không đáp ứng điều kiện niêm yết do sáp nhập, tách doanh nghiệp và các trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp; hoặc sau khi hoàn thành các hoạt động nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký niêm yết, đề nghị xem xét lại điều kiện niêm yết hoặc thay đổi đăng ký niêm yết trong thời hạn quy định;

- Tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với sở giao dịch chứng khoán và các trường hợp khác mà sở giao dịch chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Để tránh được những rủi ro thất thoát vốn đầu tư khi cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc, nhà đầu tư cần nắm rõ những quy định liên quan tới việc hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu và một số lưu ý khi tham gia vào thị trường chứng khoán như sau:

- Thứ nhất, nhà đầu tư cần trang bị kiến thức, hiểu biết về thị trường chứng khoán, nền tảng tài chính, uy tín và triển vọng của doanh nghiệp niêm yết;

- Thứ hai, nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc lựa chọn đầu tư cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết, cần xem xét khả năng tuân thủ quy định pháp luật nói chung, quy định pháp luật chứng khoán nói riêng của doanh nghiệp đó, đồng thời cũng cần xem xét sự tuân thủ pháp luật của những người điều hành doanh nghiệp (Hội đồng quản trị, Ban giám đốc…), đánh giá uy tín và khả năng quản trị công ty của doanh nghiệp;

- Thứ ba, nhà đầu tư cũng cần chú ý liên tục cập nhật mọi thông tin về cổ phiếu, báo cáo tài chính của doanh nghiệp, từ đó có thể nhanh chóng nắm bắt, đánh giá chất lượng cổ phiếu và ra quyết định đầu tư một cách chính xác hơn.

Khi cổ phiếu không còn đủ điều kiện để niêm yết trên sàn chứng khoán thì sẽ bị huỷ tư cách giao dịch hay bị huỷ niêm yết. Việc huỷ niêm yết cổ phiếu nhằm tạo môi trường đầu tư minh bạch, loại bỏ những cổ phiếu kém chất lượng, giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, có trách nhiệm với nhà đầu tư hơn. Do vậy, nhà đầu tư cũng không cần quá hoang mang nếu cổ phiếu đang nắm giữ bị huỷ niêm yết, vẫn có cách để giao dịch và chuyển đổi thành tiền mặt tùy từng trường hợp.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với ông Tô Trần Hoà, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: