Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng. Cách đây 2 năm, 142 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhất trí áp thuế doanh nghiệp đối với các tập đoàn đa quốc gia ở mức không được thấp hơn 15%. Mục đích là chống lại hành vi né thuế, chuyển giá trốn thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Việc áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới, cụ thể như: Tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung; Tăng cường hội nhập quốc tế; Giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận. Tuy nhiên, quy định này cũng đặt ra yêu cầu phải thay đổi lại các chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam để đảm bảo tính hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngày 29/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024. Dự kiến có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài thuộc diện chịu thuế với số thuế khoảng 14.600 tỷ đồng/năm.

Mời quý vị nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế về các quy định liên quan tới thuế tối thiểu toàn cầu tại đây: