Theo quy định tại Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì nếu quan hệ vay nợ do hai vợ chồng cùng xác lập thì sẽ là khoản nợ chung của hai vợ chồng và hai vợ chồng sẽ cùng có nghĩa vụ trả nợ. Trong trường hợp người vợ đã chết, theo quy định tại Điều 615 Bộ luật dân sự năm 2015 thì nghĩa vụ trả nợ của người vợ sẽ được chuyển giao cho những người thừa kế di sản của người vợ. Những người thừa kế này sẽ có nghĩa vụ trả phần nợ của người vợ trong phạm vi di sản do người vợ để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì vợ và chồng sẽ có trách nhiệm liên đới về nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ chung. Đồng thời, theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì“nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ”. Vì vậy, bên cho vay có quyền yêu cầu hoặc khởi kiện người chồng phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ, hoặc yêu cầu người chồng và những người thừa kế di sản của người vợ cùng thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Nếu bên cho vay yêu cầu người chồng thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ thì người chồng có quyền yêu cầu những người thừa kế di sản của người vợ phải hoàn trả cho mình phần nghĩa vụ trả nợ của người vợ. Tuy nhiên, những người thừa kế chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi di sản do người vợ để lại.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Cty Luật TNHH Thiện Duyên, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, trong trường hợp bên vay không trả nợ đầy đủ hoặc đúng thời hạn thì bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ trả nợ theo như nội dung thỏa thuận giữa các bên. Tuy nhiên, các bên cũng có thể tự do, tự nguyện thương lượng, thỏa thuận, lựa chọn những cách thức giải quyết khác (không trái pháp luật hoặc vi phạm đạo đức xã hội) như: Gia hạn trả nợ, hoặc miễn giảm một phần nghĩa vụ trả nợ.v.v..

Nếu các bên không thể tự thỏa thuận, thống nhất được cách thức giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nếu bên vay dùng các thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản vay hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả, hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản, với giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 04 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 04 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hoặc về một trong các tội quy định từ Điều 168 đến Điều 174 và Điều 290 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì những hành vi này của bên vay đã có dấu hiệu của “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khi đó, bên cho vay có quyền làm đơn tố giác tội phạm đến cơ quan Công an, để yêu cầu điều tra, xác minh và xử lý theo quy định của luật hình sự và luật tố tụng hình sự.

Mời quý vị nghe LS Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Cty Luật TNHH Thiện Duyên tư vấn cụ thể các quy định liên quan đến cho vay và trả nợ vay tại đây: