Mới đây, Thơ Nguyễn - một Youtuber chuyên làm clip cho trẻ em đã gây xôn xao khi đăng một đoạn clip trên Tiktok với nội dung cho búp bê (gọi là Kuman Thong) uống nước ngọt để xin vía học giỏi. Thơ Nguyễn vốn là Youtuber khá nổi tiếng tại Việt Nam. Hiện nay, trang TikTok Thơ Nguyễn có khoảng 939,7 nghìn lượt theo dõi với hơn 5,7 triệu lượt thích, trong đó chủ yếu là trẻ em. Chính vì vậy, khi clip có nội dung nhảm nhí của Thơ Nguyễn xuất hiện, nhiều phụ huynh rất bức xúc. Trên mạng xã hội, tài khoản Facebook Hải Trần viết: "Cần phải xử lý thật nghiêm youtuber Thơ Nguyễn vì đã dạy trẻ em làm những điều nhảm nhí". Tài khoản Facebook Lan Minh cũng cho rằng: "Tại sao một trang hướng tới trẻ em lại có nội dung phản cảm như vậy. Cơ quan chức năng nên đóng kênh Thơ Nguyễn lại để không ảnh hưởng đến các con".

Dưới góc độ pháp luật, Thơ Nguyễn nói riêng và những người đăng tải những video nhảm nhí trên internet sẽ bị xử lý thích đáng. Luật sư Trần Xuân Tiền - Văn phòng luật sư Đồng Đội cho biết: Ðối với người đưa các nội dung nhảm nhí, phản cảm lên mạng, việc bị xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng (khoản 1, Ðiều 101, Nghị định số 15/2020/NÐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử). Điều 288 Bộ Luật hình sự quy định người nào có hành vi đưa lên mạng xã hội để thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc là gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000 triệu đồng, hoặc gây luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Không chỉ riêng Thơ Nguyễn, mạng xã hội đầy rẫy những cái tên khác, các nền tảng mạng xã hội khác liên tục đăng tải những clip nhảm nhí, giật gân, câu view., và đặc biệt kiếm rất nhiều tiền vì lượng view cao. Các clip nhảm nhí, giật gân, câu view đang có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên các nền tảng số vì chủ nhân của những tài khoản này thường xuyên giở những chiêu trò, bất chấp dư luận, hậu quả về chuẩn mực đạo đức, văn hóa xã hội, thậm chí chấp nhận nộp phạt miễn sao đạt được mục đích đánh vào tâm lý tò mò, hiếu kỳ của người xem. Bởi nếu thu hút được càng nhiều người quan tâm họ sẽ có cơ hội kiếm nhiều tiền từ quảng cáo. Theo quy định của Youtube, điều kiện bắt buộc để được nhà cung cấp bật nút kiếm tiền là mỗi kênh phải đạt 1.000 người đăng ký trở lên và 4.000 giờ xem trong 12 tháng sẽ mang lại doanh thu hàng tỷ đồng. Ðiều này phần nào lý giải dù bị cộng đồng phản ứng, bị cơ quan chức năng nhắc nhở, xử phạt, nhiều chủ kênh vẫn tiếp tục sản xuất, công bố các video có nội dung nhảm nhí, phản cảm, thậm chí kích động bạo lực, cổ súy lối sống đồi trụy…

Để bầu trời tuổi thơ của các con thật lành mạnh, hơn ai hết, các bậc cha mẹ cần ngăn chặn và giúp con tránh xa những cám dỗ trên mạng xã hội. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với công nghệ và kiểm soát thật chặt chẽ nội dung con trẻ xem trên mạng. Đồng thời, hướng trẻ đến những hoạt động vận động ngoài trời để tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Khi phát hiện những nội dung, thông tin trên mạng xã hội có thông tin phản cảm, vi phạm thuần phong, mỹ tục, trái đạo đức xã hội hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì người dùng phải báo với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.

Đối với các cơ quan chức năng: cần có sự vào cuộc gắt gao và mạnh mẽ hơn nữa để có thể xử lý kịp thời những đối tượng có các hành vi vi phạm pháp luật, giúp cho mạng xã hội, mạng internet trở nên lành mạnh, tích cực hơn đối với cộng đồng xã hội. Những người hoạt động mạng xã hội cũng cần thay đổi nhận thức, tư duy trong việc bảo vệ sự phát triển toàn diện, lành mạnh của cộng đồng khi đăng tải các video lên mạng xã hội.

Mời các bạn nghe cuộc trao đổi của phóng viên VOV2 với luật sư Luật sư Trần Xuân Tiền - Văn phòng luật sư Đồng Đội dưới đây: