Một báo cáo về ngành thực phẩm và đồ uống vừa được công ty xếp hạng Vietnam Report công bố cho hay, trong nhiều năm nay, ngành này luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và còn nhiều tiềm năng phát triển nhờ vào sức tiêu thụ tăng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người tiêu dùng không có những băn khoăn về chất lượng thực sự của sản phẩm. Vậy làm thế nào để mua được thực phẩm an toàn?
Ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương khuyên cáo, người tiêu dùng nên mua thực phẩm ở những nơi địa chỉ rõ ràng, có uy tín và có nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn đầy đủ: “Nhìn về cảm quan nếu thấy sản phẩm có dấu hiệu hỏng, mốc, mùi khó chịu thì không nên mua. Đặc biệt là sản phẩm có màu sắc bắt mắt thì nên thận trọng vì nó có thể có chất phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe”.
BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng, Bộ Y tế cho biết, theo quy định của nước ta và các nước trên thế giới, trên mỗi bao gói sản phẩm thường có 9 thông tin mà khi mua thực phẩm người tiêu dùng nên chú ý: tên hàng hóa; tên của địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa đó; xuất xứ của hàng hóa; định lượng khối lượng của sản phẩm; ngày sản xuất; hạn sử dụng; thành phần dinh dưỡng và thành phần thực phẩm; cảnh báo về VSATTP; hướng dẫn sử dụng và bảo quản thực phẩm.
Khi mua thực phẩm, nếu thấy các mặt của bao bì bị ọp ẹp, biến dạng... thì tốt nhất không nên mua vì chúng có thể là dấu hiệu của việc lưu trữ, vận chuyển sai cách, thậm chí thực phẩm hết hạn.
Để yên tâm, nhiều người thường lựa chọn siêu thị là nơi để mua thực phẩm cho cả gia đình, nhưng thực tế ở đó cũng có thể xảy ra tình trạng các tiểu thương, nhà sản xuất sử dụng các chiêu thức khác nhau để bán hàng sắp hoặc đã hết hạn, hàng kém chất lượng... Vì vậy, cách tốt nhất là nên trang bị những kiến thức cần thiết về lựa chọn thực phẩm an toàn.