Tiết trời đã dịu lại, căn bếp của gia đình chị Nguyễn Thị Trâm ở Cầu Giấy, Hà Nội dường như nồng vị hơn với những món ấm: cá khoai nấu chua, thịt bò hầm dưa, cá thu một nắng sốt cà chua… Chị chia sẻ, mùa nào thức nấy, cá khoai mùa nay đang rất rộ, tươi và ngon, dừa xiêm cũng đến vụ nên một đĩa thịt kho dừa cũng rất đưa cơm. Đặc biệt, có một loại quả, chỉ có trong khoảng 1 tháng thu mà bất cứ người yêu ẩm thực nào cũng không thể bỏ qua. Đó là quả trám đen, to bằng ngón tay cái, có vị thơm bùi. Loại quả này có thể chế biến nhiều món nhưng với chị Trâm, ấn tượng sau một lần được ăn cá kho trám, chị đã cố công tìm cho mình một công thức riêng.

“Mình ninh cá trong 24 giờ, nếu ninh tất cả với nhau thì sẽ nát mất trám nên mình luộc chuối, trám trước, sau đó ninh cá 20 tiếng rồi mới cho vào. Tất cả ngấm gia vị rất ngon và đẹp mắt”, chị Trâm cho biết.

Ăn một miếng để thưởng thức một mùa, vì lẽ đó mà thời điểm này, những gì riêng có của thu đều được biến hóa. Và với chị Trâm, một niềm vui bất ngờ khi cô con gái dậy từ 4 giờ sáng nấu cho mẹ một bát chè bưởi, chỉ từ một câu chị kể với con rằng: chè bưởi có thể ăn quanh năm nhưng chỉ mùa này cùi bưởi là dày nhất và cũng chỉ tiết trời thu thưởng thức là hợp nhất.

Lên khu phố cổ Hà Nội, ngôi nhà số 22 phố Mã Mây từ trước đến nay vẫn là nơi ghé thăm của những người yêu thích món ăn Hà Nội. Căn bếp của nhà hàng nhỏ, xinh xắn của nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết vẫn đỏ lửa với những món ăn Hà Nội phục vụ thực khách. Chị Vũ Kiều Linh- con gái nghệ nhân Ánh Tuyết chia sẻ, mùa thu lúc nào cũng gợi nhớ những kỷ niệm về những món mẹ nấu. Chị nhớ có một lần được cùng mẹ đi chợ, thấy các bà, các cô ai cũng có một gói nhỏ bằng lá sen để xếp để trong làn, chị hỏi mẹ đó là cái gì. Mẹ bảo đó là cốm và mua cho ăn thử.

“Trời ơi, ăn cốm không cũng thấy rất ngon, rồi nếu còn thừa, mẹ sẽ xào cốm hoặc nấu chè cốm. Mẹ biết mình thích ăn chim câu, thế là mẹ mua cốm về làm món chim câu hầm sen cốm”, chị Linh nhớ lại.

Đã vài năm nay, nghệ nhân Ánh Tuyết vào Đà Nẵng sinh sống và làm việc, chị Kiều Linh tiếp quản nhà hàng nhỏ và thay mẹ duy trì việc giới thiệu những món ăn ngon cho các thực khách ưa thích món ăn Việt, món ăn Hà Nội. Dù xa Hà Nội nhưng hương vị thu Hà thành vẫn là nỗi nhớ của bà Ánh Tuyết trong những cuộc đàm thoại với con gái.

“Mình nói với mẹ, Hà Nội vào thu rồi, thời tiết đẹp lắm mà mẹ lại không có ở đây, mẹ có thích ăn cốm không con gửi cho mẹ. Bây giờ giao thông cũng thuận tiện nên mẹ thích là mình có thể gửi vào cho bà rất dễ dàng”, chị Linh chia sẻ.

Hà Nội được thiên nhiên ban tặng 4 mùa rõ rệt, vì thế, trên bàn ăn các gia đình đều có những món rất đặc trưng theo mùa. Và với cảm xúc của một người yêu mùa thu Hà Nội, cảm nhận hương sắc chín ngọt của chính thu lúc này, nhà văn-nhà báo Vĩnh Quyên còn chia sẻ với chúng ta một nét thu quyến rũ qua hương-vị-sắc. Theo bà, có 3 món ăn “gọi mùa” rất đặc trưng.

Đầu tiên là cốm. Cốm vào mùa thu là ngon nhất, dẻo và đằm. Cốm có thể ăn mộc hoặc là ăn với chuối. Và cũng chỉ có những tháng thu này mới có chuối chín trứng cuốc.

Chim ngói cũng là món chỉ có vào mùa thu. Bởi sau khi bà con gặt lúc xong thì chim ngói mới về. Loại chim này cũng chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn. "Bạn bè tôi bảo đến nhà Vĩnh Quyên thấy làm món chim ngói là biết mùa thu đã “chín”, bà chia sẻ.

Ốc tháng 10 là ốc béo nhất, mà người Hà Nội lại thích món ốc hấp lá gừng hoặc bún ốc nguội.

“So với bốn mùa thì mùa thu rất ngắn vì thế càng nó quý giá nên ai cũng muốn níu kéo. Mình hay mời bạn bè đến nhà cùng tận hưởng những cái thời trân của mua thu. Và những câu chuyện bên mâm cơm, bên bà trà vô cùng thú vị”, nhà báo Vĩnh Quyên chia sẻ.

Quả đúng là nếu bạn hạnh phúc và muốn mọi người đều hạnh phúc giống mình thì chắc chắn món ăn bạn nấu dành tặng mọi người cũng sẽ rất ngon. Mùa thu đặc biệt lắm bởi có mấy ai phật ý vì thu đâu, chỉ mong thu dài hơn để yêu thu cho đủ, cho trọn vẹn. Đừng ngần ngại vào bếp nếu muốn gọi thu về.