43% thanh thiếu niên từ 10-24 tuổi có dấu hiệu nghiện internet là con số được thống kê từ hàng ngàn bệnh nhân đến khám và điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai). Phóng viên VOV2 đã có cuộc phỏng vấn với TS.BS Lê Thị Thu Hà – Trưởng phòng Sử dụng chất và y học hành vi Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai – về tình trạng nghiện game/internet từ góc nhìn sức khỏe tâm thần.

Phóng viên: Xin TS.BS có thể cho biết về một số ca bệnh điển hình về nghiện trò chơi điện tử mà Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đã từng điều trị?

TS.BS Lê Thị Thu Hà: Đến điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần có rất nhiều trường hợp đáng tiếc. Mới đây là một bạn nam 22 tuổi. Trước khi đến với chúng tôi, bạn ấy đã học đến năm thứ 3 đại học nhưng vì nghiện game nên việc học phải đình lại. Gia đình bạn này cũng có hoàn cảnh một chút khi năm lớp 7 bố mẹ ly hôn và quá trình quá trình bố mẹ cũng mâu thuẫn trước đó tương đối lâu. Và đây cũng là thời điểm mà bạn chơi game nhiều dần lên và dẫn đến nghiện game.

Theo lời người mẹ kể, thì chúng tôi xác định bạn này nghiện game từ khoảng năm học lớp 11. Và cũng rất là tiếc trường hợp này vì anh trai bạn ấy đang ở với bố cũng nghiện game. Mặc dù anh trai có cố gắng là hoàn thiện được việc học cao đẳng và hiện có đi làm nhưng các mặt hoạt động xã hội khác đều bị ảnh hưởng do nghiện game.

Với trường hợp bạn nam thanh niên 22 tuổi này, trước có 2 lần đi điều trị chuyên khoa tâm thần ở một nơi khác rồi nhưng cũng không hiệu quả. Bạn ấy về nhà chỉ được khoảng tối đa 1 tháng là bắt đầu lại chơi game như cũ và thường xuyên là trốn ra ngoài chơi. Và khi mà không có tiền để chơi thì sẵn sàng là cáu gắt chửi mẹ, thậm chí có lần đánh mẹ. Ăn uống thì cũng rất hạn chế, thậm chí là chỉ ăn bánh mì và uống nước trắng, dành tất cả tiền cho việc chơi game.

Bạn ấy đến với chúng tôi là hồi tháng 2 và được điều trị khá tích cực cả liệu pháp tâm lý cả dùng thuốc vì bạn có những vấn đề về cảm xúc do quá trình chơi game quá lâu. Nhưng thực tế thì đến tháng 6 vừa rồi thì bạn lại phải vào lại một lần nữa. Quá trình điều trị rất khó khăn.

Phóng viên: Tôi hiểu rằng, những bác sỹ điều trị như bà thường xuyên phải đối mặt với những câu chuyện đáng tiếc như thế này?

TS Lê Thị Thu Hà: Vâng, có rất nhiều những câu chuyện buồn. Tôi nhớ có một bạn 24 tuổi là sinh viên năm cuối của một trường đại học có tiếng. Bạn ấy thi đỗ vào trường với số điểm rất cao, 27 điểm. Khi bạn đến với tôi năm vừa rồi, qua thăm khám, kiểm tra thì tình trạng nghiện game của bạn ấy rất nặng. Mặc dù học đến năm cuối rồi nhưng mà vì nghiện game không thể tốt nghiệp được. Còn mẹ bạn ấy thì phải bỏ công việc ở nhà lên Hà Nội để kiếm soát con nhưng không giải quyết được vấn đề. Thế nên, ngoài tình trạng bệnh của bạn ấy mà cả gia đình này cũng cực kỳ căng thẳng, vì đây là cậu con trai duy nhất trong 3 chị em và mang rất nhiều kỳ vọng của gia đình.

Phóng viên: Nghiện game/internet không còn là các hiện tượng đơn lẻ mà đã trở thành một thực trạng xã hội, là một dạng bệnh lý được nghiên cứu trong y khoa. Thưa TS Lê Thu Hà, xin bà cho biết những công bố mới nhất về “căn bệnh của thời 4.0” này?

TS Lê Thị Thu Hà: Đầu tiên là nói đến vấn đề internet, UNICEF năm 2017 đưa ra số liệu là cứ 3 người sử dụng Internet trên toàn thế giới có một người là trẻ em từ 10 tuổi trở xuống. Còn ở Việt Nam, tỷ lệ sử dụng internet rất cao lên đến 70,3 % dân số và dành thời gian trung bình là 7 tiếng mỗi ngày. 40% người sử dụng là dưới 25 tuổi. Còn tỷ lệ về rối loạn sử dụng internet/game trên toàn cầu là 8,5% đối với nam và 3,5% đối với nữ. Nhưng mà trong tất cả các khu vực toàn cầu, Châu Á lại có tỷ lệ lưu hành cao nhất lên tới 6,3 %. Tại Việt Nam, trẻ em và vị thành niên mắc rối loạn sử dụng internet/game là 8,5%.

Tại Viện sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) chúng tôi cũng nghiên cứu, 60% số người được hỏi có thời gian sử dụng internet trung bình trên 3 giờ mỗi ngày. Trong đó nhiều nhất là lên đến 15 giờ một ngày có nghĩa là bạn ấy, trừ thời gian ngủ và đi vệ sinh tắm rửa thì bạn ấy chỉ có sử dụng internet thôi. Và đây là những tài liệu nghiên cứu khoảng tầm năm 2021 trở về trước, vậy thì năm nay tỷ lệ nó sẽ còn cao hơn nữa.

Chúng ta thấy rằng cứ 100 người thì sẽ có khoảng trên 8 người sử dụng internet/game ở mức độ có vấn đề, tức là có ảnh hưởng sức khỏe cơ thể, tâm thần. Người ta thấy rằng tỷ lệ các bạn này có vấn đề về lo âu hoặc trầm cảm hoặc rối loạn giấc ngủ hoặc là nhiều thứ cùng một lúc khá cao. Các tỷ lệ này đều phải xung quanh khoảng 20%, thế nên là đây là một vấn đề báo động.

Phóng viên: Mọi trường hợp đều có diễn biến từ sự bắt đầu, rồi ham mê và trở nên nghiện lúc nào không hay. Và đây cũng là vấn đề trong nhiều gia đình khi rất khó để nhận ra đâu là giới hạn của giải trí yêu thích và đâu là bước sang ngưỡng của cái gọi là “nghiện”, thưa bác sỹ?

Khách mời: Ta phải chú ý thứ nhất là thời lượng chơi game/internet hàng ngày, thứ hai là các sở thích hứng thú của các bạn đều bị ảnh hưởng, đi học không học được tốt, đi làm không hiệu quả. Thứ ba là nếu không có game thì cảm thấy rất là khó chịu, lo lắng, cáu kỉnh, buồn chán, bồn chồn, bất an, bùng nổ chỉ cần sau một vài ngày không có game. Ví dụ như trường hợp tôi nói ban đầu, không có tiền để chơi game bạn đó đã sẵn sàng đánh mẹ.

Phóng viên: Người ta nói nếu bị thương ở tay thì băng lại sẽ khỏi, nhưng còn vết thương tâm thần thì khó khăn hơn rất nhiều. Việc điều trị nghiện game/internet hiện nay như thế nào thưa bác sỹ?

TS Lê Thị Thu Hà: Việc điều trị hiện nay, đầu tiên phải nói đến vai trò của các liệu pháp tâm lý. Ví dụ như là liệu pháp can thiệp hành vi thèm nhớ, liệu pháp nhận thức hành vi phân vân. Thứ hai là các thuốc điều trị thì cũng có một vài thuốc thấy rằng có vai trò trong điều trị nghiện games và cũng có thể là điều trị các rối loạn kèm theo như là vấn đề trầm cảm lo âu hoặc rối loạn giấc ngủ. Thứ ba là như chỗ chúng tôi cũng có liệu pháp kích thích từ xuyên sọ để điều trị. Thông thường khi bệnh nhân đến với chúng tôi cũng không phải là giai đoạn sớm nữa nên chúng tôi thường phải phối hợp các biện pháp.

Vấn đề khó khăn trong điều trị là thường người bệnh đến muộn và gặp các vấn đề rối loạn đồng diễn là cùng một lúc có nhiều vấn đề như nghiện game kèm theo các rối loạn giấc ngủ, kèm theo những vấn đề sức khỏe cơ thể do vấn đề chơi game quá lâu. Và khó khăn nữa là đến từ sự tham gia phối hợp của người bệnh và gia đình.

Người bệnh chỉ nghĩ đến việc dùng thuốc nào để khỏi bệnh mà không biết rằng trường một số hợp chủ yếu là làm liệu pháp tâm lý. Và liệu pháp tâm lý này thì không ngắn, thời gian điều trị từ 1 năm trở lên nhưng hầu như các gia đình và người bệnh chỉ phối hợp trong khoảng một vài tháng. Thế nên là tỷ lệ tái nghiện game/internet cũng rất là cao và rất là đáng tiếc.

Phóng viên: Internet là xu hướng của thời đại – điều đó cũng có nghĩa là không thể loại trừ. Nhưng sử dụng như thế nào để không lâm vào cảnh lệ thuộc là vấn đề khó nhất lúc này. Bà có thể đưa ra một số lời khuyên?

TS Lê Thị Thu Hà: Đầu tiên là gia đình phải chú ý thời gian chơi và cách thức chơi ngay từ khi các bạn đang còn nhỏ. Vì thông thường các bạn ấy sẽ chơ từ khi còn bé hoặc vị thành niên chứ không phải lớn rồi mới chơi. Lúc con mới chơi, phải chú ý đến thời gian chơi. Khi mà tôi tư vấn cho người bệnh thì tôi rất hay nói là thời gian chơi với ngày nghỉ là dưới 2 tiếng và dưới 1 tiếng với ngày thường.

Thứ hai là ta phải cân đối thời gian và địa điểm chơi của con. Hiện nay cũng phải có một thực tế là các địa điểm chơi ngoài trời hơi ít bố mẹ thì cũng không có nhiều thời gian thì phải cân đối được thời gian, địa điểm chơi của con nhất là mùa hè.

Vấn đề thứ ba là cũng phải lưu ý là bố mẹ cần phải làm gương vì rất nhiều trường hợp các bạn nói là bố mẹ cháu suốt ngày sử dụng. Thế thì bản thân bố mẹ cũng cần phải lưu ý. Tại sao bố mẹ được dùng mà con không được dùng đấy là những câu các bạn rất hay đặt ra.

Cũng có một vấn đề nữa là hiện nay các trò chơi các game thì luôn được quảng cáo rất là hay, rất hấp dẫn và bạn được thoải mái trong thế giới ảo đấy. Cho nên gia đình chú ý là cũng phải có cách động viên con, hỗ trợ con khi mà con muốn thoát khỏi thế giới ảo đó. Nếu mà gia đình không tin tưởng, không hỗ trợ con thì con sẽ lại quay lại thế giới ảo, bởi ở đó con là một anh hùng trong khi thế giới thật con học hành sút kém, tự ti mặc cảm.

Và người ta thấy rằng có một tỷ lệ khá lớn liên quan đến xung đột trong gia đình dẫn đến vấn đề tâm lý của con thì gia đình cũng chú ý vấn đề tâm lý của trẻ là cần phải được ổn định.

Phóng viên: Xin được cảm ơn TS.BS Lê Thị Thu Hà!