Những năm trước, dịp này nhà anh Dương Trọng Hiển ở quận Đống Đa đã chộn rộn sắm Tết, nào bánh kẹo, đồ khô rồi gọi điện về quê đặt bánh chưng, giò chả, thậm chí, còn dặn họ hàng ở quê mua chung con lợn để có thịt ngon ăn Tết. “Ở quê nhiều nhà nuôi lợn, vừa sạch thịt lại ngon nên chung nhau đụng con lợn, tiền thịt lợn hàng triệu đồng, đến khi mang ra nhà để kín tủ đông, tủ lạnh rồi còn phải mang gửi nhà anh em để ăn dần trong Tết”.
Không chỉ mua thực phẩm cho nhà dùng, anh Hiển còn mua biếu tặng người thân, bạn bè, số tiền chi cho việc ăn Tết cũng khá lớn? Thế nhưng, cuối năm vừa rồi nhẩm tính thu nhập của cả hai vợ chồng mới thấy Tết đến mà lo. Vì thế, chuyện ăn Tết cũng cần phải được hai vợ chồng tính toán lại cho hợp lý.
Hoàn cảnh kinh tế khó khăn là lý do khiến các gia đình phải biết chi tiêu hợp lý cho Tết, trong đó có việc ăn Tết làm sao cho ngon nhưng phải vừa đủ. Tuy nhiên, không ít người băn khoăn ăn Tết tiết kiệm liệu có dễ? Bởi vì, Tết trước đây thường phải "Mâm cao- Cỗ đầy", thực phẩm phải chứa đầy trong tủ mới là Tết.
Thế nhưng, như chia sẻ của ông Dương Văn Hùng- Phó chủ tịch Thường trực Liên chi hội đầu bếp Việt Nam, cho dù bạn có ít tiền, bạn vẫn có một cái Tết vui và đủ.
“Theo quan niệm xưa, ngày Tết bao giờ cũng phải đủ và đầy nhất, “Mâm cao – Cỗ đầy” như ngày xưa, nhiều đến mức là phải chồng mâm lên nhau còn các món ăn bày trong đĩa, trong bát thì phải đầy có ngọn. Tất nhiên theo tôi, các giá trị truyền thống chúng ta vẫn nên duy trì nhưng không nên quá cứng nhắc bởi vì còn liên quan đến hơi thở cuộc sống ngày nay. Ăn Tết có nghĩa rất rộng, là việc chúng ta vui trong ngày Tết, chơi trong ngày Tết chứ còn ăn chỉ là phần thứ yếu thôi. Nên là đồ ăn chứa đầy trong nhà mới là Tết không còn phù hợp. Vì thế “Mâm cao- Cỗ đầy” cũng nên hiểu theo nghĩa tích cực hơn. Đủ ở đây chúng ta phải hiểu là đủ về mặt số lượng, đầy đủ về mặt dưỡng chất. Ngoài ra, thời tiết ngày Tết cũng phức tạp nên nếu mua quá nhiều thực phẩm mà không bảo quản đúng cách còn có nhiều nguy cơ gây ngộ độc. Nếu bị ngộ độc trong những ngày đầu năm thì sẽ không may mắn”- ông Dương Văn Hùng khẳng định.
Hiện nay, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm, thiết thực đang được quan tâm. Đã có những khảo sát về thói quen tiêu dùng và hoạt động tiêu dùng của người dân trong năm qua cho thấy, 62% người tiêu dùng Việt Nam cắt giảm những khoản mua sắm không cần thiết và thay vào đó họ để dành các khoản chi cho các mặt hàng thiết yếu, thiết thực đồng thời ưu tiên các mặt hàng có giá cả phải chăng hơn.
Có thể thấy, việc ăn Tết tiết kiệm hơn cũng đã được một số gia đình nghĩ tới. Nhưng tiết kiệm như thế nào để mâm cỗ Tết vẫn ngon và đủ? Theo ông Dương Văn Hùng, người dân nên xây dựng kế hoạch chi tiêu tối giản và thông minh nhất.
“Với mâm cỗ Tết chúng ta phải cân đối giữa nhu cầu và khả năng, làm sao tiết kiệm và tránh lãng phí. Cắt giảm những chi phí cho những mặt hàng độc – lạ thường được người dân phóng tay mua sắm. Cần tích cực “săn” các mặt hàng khuyến mãi thiết yếu tại các hệ thống bán lẻ, siêu thị. Chủ động làm món ăn thay vì mua đồ sẵn hay mua đồ sơ chế. Biện pháp mua chung cũng giúp tiết kiệm đáng kể và cuối cùng để tránh lãng phí và nâng cao tính tiết kiệm, người dân nên thực hiện bảo quản thức ăn thừa đúng cách và chế biến khoa học” – ông Hùng tư vấn.
Các nhóm hàng cần đảm bảo có đủ trong dịp tết gồm các mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản; trứng gà, vịt; thực phẩm chế biến; rau củ, trái cây tươi. Căn cứ vào nhu cầu thực tế tối thiểu của gia đình mình như số người trong gia đình, số ngày nghỉ Tết của các thành viên, số bữa ăn chung cần tổ chức…
Ông Dương Văn Hùng – Phó chủ tịch Liên chi hội đầu bếp Việt Nam cho biết, người nội trợ cần thực hiện chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách để đồ ăn không bị lãng phí.
“Vẫn đảm bảo được các mâm cỗ cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp; chiều 30 Tất niên; giao thừa; Mùng 1 Tết, hạ cây nêu… Người dân nên căn cứ vào thời tiết, điều kiện bảo quản để lựa chọn cách chế biến, cách bảo quản phù hợp. Đan xen những món truyền thống và hiện đại để làm phong phú thực đơn. Bên cạnh đó cần cân đối món ăn trong thực đơn. Xây dựng thực đơn có các món ăn mang tính kế thừa, hoặc các món có chung nguyên liệu, bán thành phẩm vừa đảm bảo tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiêm nguyên liệu chống lãng phí. Chẳng hạn như món gà luộc sẽ có thêm nước luộc gà để chế biến các món canh như canh măng, canh mọc, nấu miến… hoặc thịt gà chưa sử dụng hết có thể kết hợp với nước gà để làm phở hay bún thang…”, ông Hùng cho hay.
Mời nghe tại đây: