Đi qua những ngày tháng cũ ...

Núi Hiểu là nơi xuất hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên của tỉnh Bắc Giang, đó là công nhân của Công ty Hosiden mà sau này là nơi khởi phát ổ dịch lớn nhất của cả tỉnh với trên 1 nghìn ca nhiễm. Nguy cơ lây nhiễm thời điểm đó rất lớn bởi mật độ công nhân ở dày đặc tại các khu nhà trọ.

Núi Hiểu chỉ có 200 hộ dân, khoảng 9 nghìn nhân khẩu, thế nhưng có tới 13 nghìn công nhân thuê trọ. Mật độ ở ken đặc khiến cho số ca lây nhiễm lúc đó tăng chóng mặt. Trước thông tin toàn bộ công nhân phân xưởng 4 của Công ty Hosiden gồm 1.500 người được xác định là dương tính với Covid-19, người dân Núi Hiểu choáng váng, bởi thôn là nơi công nhân của Công ty của Hosiden thuê ở trọ đông nhất.

Toàn bộ 13 nghìn công nhân được xét nghiệm sàng lọc và di chuyển đến các khu cách ly tập trung. Cuộc sống của người dân rơi vào trạng thái “đóng băng” suốt 45 ngày.

Lúc đó, dấu hiệu duy nhất của sự tấp nập còn sót lại chỉ là một chiếc biển hiện nằm chỏng chơ trên vỉa hè.

Giở lại cuốn sổ ghi lại việc phân công nhiệm vụ của Tổ phòng chống Covid-19, danh sách các gia đình tặng rau củ quả cho bà con, anh trưởng thôn không giấu nổi xúc động. Với anh, những gì vừa trải qua sẽ mãi không thể nào quên.

"Lúc đó, tâm lý ai cũng lo sợ, hoang mang. Nhưng mình có sợ cũng không được. Giống như có chiến tranh xảy ra, nếu mình không chiến đấu thì không biết sẽ nằm lúc nào. Vậy thì ta còn chiến đấu được thì phải lao vào thôi", anh chia sẻ.

Có những câu chuyện mà đến giờ người dân vẫn nhắc lại. Chuyện 1 bạn công nhân quê Lạng Sơn vừa mới chân ướt chân ráo đến làm ở Khu công nghiệp Quang Châu được 10 ngày, thì dịch bùng phát. Lương chưa có, tiền nhà đem theo cạn kiệt, cô gái trẻ không còn gì bất cứ để ăn… Còn tôi, tôi vẫn nhớ những khuôn mặt còn rất trẻ, những ánh mắt nhìn mình từ khung cửa sổ nhà trọ. Họ nói vọng theo “khổ lắm chị ơi…”

Hàng nghìn y bác sỹ cũng đã kiệt sức ở tâm dịch Bắc Giang trong những ngày tháng 5 nóng như đổ lửa. Những xuất cơm hộp bỏ dở vì quá bữa, vì quá mệt....

Bác sỹ Nguyễn Kim Anh, Phó giám đốc TTYT huyện Việt Yên tâm sự: lúc đó guồng quay công việc cuốn đi, không có thời gian để nghĩ ngợi, cũng chưa từng hỏi vì sao mình phải vất vả đêm hôm suốt ngày như thế, triền miên mấy tháng trời. "Chỉ mong sao cho hết dịch, dân mình đỡ khổ", chị Kim Anh nhớ lại.

... Để thấy vẻ đẹp cuộc sống hôm nay

Thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên một ngày cuối năm. Chợ thôn ngày Tết không thiếu thứ gì. Dòng người tấp nập bán mua. Ai nấy đều lúc lỉu trên tay những túi lớn túi nhỏ, những hoa, những trái như thể muốn mang cả sắc xuân về nhà.

Gọi là thôn nhưng Núi Hiểu có nhiều nhà cao tầng hơn cả phố. Vì ở đây, nhà không phải chỉ để ở mà còn để kinh doanh cho thuê phòng trọ.

Lâu lắm rồi ông Hoắc Công Láng mới đi kiểm tra phòng ở của các công nhân. Ông cũng quên luôn cả những thao tác cơ bản là bật đèn hành lang. Kể từ sau đợt bùng phát dịch hồi tháng 5 đến nay, nhà ông đã cho thuê được 30 phòng, vẫn còn trống 20 phòng nữa. Nhưng điều đó không khiến ông bớt vui. "Niềm vui của dân Núi Hiểu là tuy dịch rất lớn nhưng mà đã vượt qua trong vòng 58 ngày", ông Láng bày tỏ.

Tôi đã từng đứng trước cổng của Công ty 6 nghìn công nhân của Công ty Hosiden trong thời điểm chỉ còn duy nhất anh bảo vệ ở lại. Mang theo những ký ức đó để trở lại, mới thấy những thanh âm của lao động của ngày hôm nay quý giá đến thế nào.

80% công nhân của Công ty Hosiden đã trở lại làm việc. Hoạt động sản xuất đã trở lại và đạt công suất tối đa. Một sự hồi phục ngoạn mục mà nhiều người vẫn không tin là có thể diễn ra trong một thời gian ngắn như thế.

Trong dòng người nhộn nhịp lúc tan ca có rất nhiều công nhân vội vã về lại căn phòng trọ, thu vén đồ đạc để về quê đón Tết, sum vầy với gia đình.

Những âu lo xin để lại cùng với năm cũ, nhường chỗ cho bình yên của năm mới.