Một trong những rào cản khiến nhiều người dân, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế là đường sá đi lại không thuận tiện, trình độ cán bộ y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu…

Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở, giúp nhóm yếu thế tiếp cận tốt hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, từ năm 2020, Bộ Y tế đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) triển khai dự án tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở thông qua sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”.

Sau 2 năm triển khai, sáng nay, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án này. GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế và bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.

Quá trình triển khai phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện tại 3 tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn. Dựa trên những kết quả và bài học kinh nghiệm từ giai đoạn ban đầu, đến cuối năm 2022, Bộ Y tế triển khai thêm tại 5 tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắc Lắc và Cà Mau.

Khác với các chương trình khám bệnh từ xa đã được triển khai trước đây, khi người dân tham gia chương trình “Bác sĩ cho mọi nhà”, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là đã có thể đặt lịch hẹn khám và được bác sĩ tư vấn ở bất cứ đâu. Với các ca khó, bác sĩ ở trạm y tế xã, phường có thể kết nối ngay với trung tâm y tế ở tuyến trên. Ngoài ra, với tính năng cuộc gọi truyền hình, phần mềm này còn hỗ trợ các bác sĩ thực hiện các cuộc họp giao ban hoặc sinh hoạt chuyên môn. Vì vậy, có thể nói “Bác sĩ cho mọi nhà” là cầu nối giữa cán bộ y tế tại trạm y tế xã (phường) với các đơn vị y tế tuyến trên, giúp công tác tư vấn, hướng dẫn điều trị đạt hiệu quả.

Phát biểu tại Hội thảo, GS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao sự hỗ trợ của UNDP về cung cấp thiết bị công nghệ thông tin, nâng cấp phần mềm, xây dựng tài liệu, hỗ trợ kỹ thuật… giúp dự án triển khai thuận lợi, người dân được giảm chi phí khi khám chữa bệnh.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với UNDP để huy động nguồn lực thực hiện chương trình chuyển đổi số y tế, hướng tới việc quản lý sức khỏe của nhân dân trên môi trường số và tiếp tục ưu tiên các hoạt động nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở. Để tiếp tục triển khai tốt và nhân rộng mô hình này, Bộ Y tế đề nghị Cục quản lý Khám chữa bệnh tiếp tục là đầu mối phối hợp UNDP triển khai chương trình khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở, sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” trong giai đoạn tiếp theo, phối hợp với Cục Khoa học công nghệ đào tạo, Vụ Pháp chế- Bộ Y tế xây dựng các văn bản, hoàn thiện khung pháp lý của chương trình, trong đó phân định rõ chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm triển khai của các đơn vị. Cục tiếp tục nghiên cứu, đề xuất về các giải pháp đảm bảo kỹ thuật và công nghệ cho việc triển khai hoạt động này cho giai đoạn tiếp theo” - GS Trần Văn Thuấn cho biết.

Bà Ramla Khalidi – Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết, hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số về y tế là một trong những ưu tiên của UNDP trong giai đoạn 2025-2030.

“UNDP đang làm việc với Bộ Y tế, các tỉnh và các đối tác khác tại Việt Nam để huy động thêm các nguồn lực nhằm hỗ trợ mở rộng ra nhiều tỉnh hơn và tiếp tục xây dựng khung pháp lý và chính sách cho chương trình khám, chữa bệnh từ xa” - bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

Tính đến tháng 6 vừa qua, dự án đã tạo được 755.000 tài khoản cho người dân, trong đó có hơn 28.000 tài khoản đã được sử dụng yêu cầu đặt lịch hẹn khám. Bộ Y tế cho biết, thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước.