Chế độ ăn uống đầy đủ là yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân Covid-19 nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và nhanh chóng hồi phục. Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân gặp các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy và chán ăn. Khi bị nôn ói, tiêu chảy, người bệnh rất dễ mất các chất điện giải như natri, kali. Bên cạnh đó, người bệnh thường bị mất mùi, mất vị khiến cho việc ăn uống càng thêm khó khăn. Nếu không chú ý đến chế độ dinh dưỡng đầy đủ, người bệnh có thể bị sụt cân, suy dinh dưỡng khiến quá trình hồi phục bệnh chậm hơn so với những bệnh nhân khác.

Theo bác sĩ Lê Trịnh Thủy Tiên - thành viên Hội dinh dưỡng lâm sàng Việt Nam, để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể và cân bằng hệ vi sinh đường ruột, nguyên tắc chung là bệnh nhân Covid-19 không nên giảm bữa ăn và nên ăn các loại thức ăn mềm lỏng, dễ tiêu hóa như là sup, cháo. Trong ngày, người bệnh nên chia thành nhiều bữa nhỏ và kiêng các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ gây khó tiêu.

Chế độ ăn cần đảm bảo đầy đủ các nhóm dưỡng chất như chất đạm, bột đường, chất béo và bổ sung thêm vitamin và khoáng chất. Nếu muốn bổ sung sữa, bệnh nhân có thể chọn loại sữa công thức không chứa lactose sẽ giúp tiêu hóa dễ dàng hơn. Bệnh nhân nên nên uống nhiều nước và khi bị nôn ói, tiêu chảy thì cần bù các chất điện giải bằng cách sử dụng dung dịch bù nước và điện giải như Oresol hoặc uống nước pha một chút muối đường hay nước dừa non có pha một chút muối.

Bác sĩ Lê Trịnh Thủy Tiên cũng lưu ý, đối với bệnh nhân tiêu chảy thì cần hạn chế ăn thực phẩm nhiều chất xơ như là các loại đậu hạt, bông cải xanh, trái bơ khoai tây, táo, dâu, ngũ cốc nguyên hạt hay là sữa có chứa lactose. Ngoài ra, bệnh nhân nên hạn chế ăn đồ chiên, xào hoặc các thức ăn có vị chua, vị cay, tránh sử dụng các thức uống chứa các chất kích thích như trà, cà phê. rượu bia…Bởi những loại đồ ăn, thức uống này có thể gây kích ứng dạ dày và làm cho bệnh nhân khó chịu và gây ra tình trạng nôn ói nặng hơn.

Cùng với cái chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, khi bị tiêu chảy bệnh nhân nên bổ sung thêm kẽm sẽ giúp làm giảm thời gian bị bệnh, tăng tốc độ hồi phục của đường ruột và còn làm giảm tỷ lệ mắc tiêu chảy. “Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nên bổ sung kẽm cho bệnh nhân bị tiêu chảy. Tuy nhiên, liều lượng khác nhau theo từng lứa tuổi. Do đó, bệnh nhân cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung kẽm, nếu khi uống mà có triệu chứng như nôn ói, khó chịu ở dạ dày thì chúng ta nên ngưng.”, BS Lê Trịnh Thủy Tiên hướng dẫn.

Ngoài các triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy…nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 còn than phiền về cảm giác ăn không ngon miệng, chán ăn. Theo bác sĩ Lê Trịnh Thủy Tiên nguyên nhân có thể là là do bệnh nhân bị mất vị giác, khứu giác và những cảm giác khó chịu ở đường tiêu hóa hoặc do sốt cao, mệt mỏi. Trong giai đoạn này, việc động viên bệnh nhân cố gắng ăn uống rất quan trọng. Đồng thời, người nhà, người chăm sóc nên nấu những món ăn mà người bệnh ưa thích, ưu tiên lựa chọn các thực phẩm tươi sống, tránh sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn. Món ăn cần được sử dụng khi còn ấm nóng và có thể sử dụng một số gia vị gây kích thích vị giác và giúp bệnh nhân trải nghiệm các hương vị mới như là quế, tiêu đen, tỏi, gừng và các loại lá tăng thêm hương vị như húng quế, hành lá, tía tô…để tạo cảm giác ngon miệng hơn.

Sau khi khỏi bệnh Covid-19, bác sĩ Lê Trịnh Thủy Tiên khuyên người bệnh nên duy trì chế độ ăn uống đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm, dinh dưỡng hợp lý, tăng cường rau xanh và trái cây, uống đủ từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày, ưu tiên lựa chọn các thực phẩm giàu đạm như thịt cá, trứng sữa, đậu Hà lan, đậu nành. Đồng thời mỗi ngày tăng khẩu phần ăn một cách từ từ nhằm giúp hệ tiêu hóa kịp thích ứng, tránh gây quá tải. Ngoài ra để cân bằng năng lượng nạp vào, bệnh nhân nên thực hiện chế độ tập luyện nhẹ và trung bình, từ 30-45 phút/ngày với tần suất 3 - 4 ngày/tuần và tập thở phục hồi chức năng hô hấp.