Tại khu chạy thận dành cho bệnh nhân đang cách ly, tất cả quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, nguồn nước RO đến lối di chuyển của người bệnh, nhân viên y tế đều được quản lý chặt chẽ. Trong phòng chạy thận, nhân viên y tế túc trực và bệnh nhân đều mặc đồ bảo hộ. Mỗi giường bệnh bảo đảm khoảng cách 2m. Mỗi ca chạy thận kéo khoảng từ 3-4 giờ. Sau mỗi ca, nhân viên y tế thực hiện phun khử khuẩn, vệ sinh phòng bệnh và hệ thống chạy thận. Sau khi khử khuẩn, 2 giờ tiếp theo mới tiếp nhận ca chạy thận mới, tất cả nhằm bảo vệ tối đa cho bệnh nhân, bảo đảm việc phòng chống dịch Covid-19.
Bác sĩ chuyên khoa II Phan Văn Đức - Phó giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố, nhiều con hẻm, phường trong diện phong tỏa, một số bệnh viện tạm ngưng khu chạy thận nhân tạo, trong khi đó nhu cầu lọc máu của bệnh nhân suy thận mạn là rất cần thiết. Từ sự chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Y tế, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã đi đầu triển khai khu chạy thận nhân tạo riêng cho người bệnh suy thận mạn đang sinh sống trong các khu vực phong tỏa, hoặc những bệnh nhân suy thận là F2 đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc chưa có kết quả xét nghiệm và chưa có triệu chứng.
Tại đây, bệnh viện triển khai 10 máy chạy thận nhân tạo, với công suất tối đa khoảng 40 bệnh nhân. Hiện khu này đang có 35 bệnh nhân thuộc các khu phong tỏa trên toàn thành phố đăng ký chạy thận. Các bệnh nhân này sẽ được chuyển về khu vực chạy thận cho người đang cách ly tại bệnh viện. Bệnh viện cũng đã tận dụng “xe cứu thương 0 đồng” đến đón bệnh nhân chạy thận, thực hiện khử khuẩn toàn bộ lối đi dành cho người bệnh và xe cứu thương. Về hệ thống lọc nước RO, để đảm bảo nguồn nước cho chạy thận nhân tạo bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ. Tất cả đều theo chỉ đạo của Sở Y tế và HCDC để điều phối lượng bệnh nhân có nhu cầu chạy thận nhân tạo ở các khu vực phong tỏa, F2 chưa có triệu chứng và xét nghiệm âm tính - Bác sĩ Phan Văn Đức cho biết.