SOS: Thừa cân béo phì

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Còn theo Viện dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành TP.HCM đã vượt 50%, tại Hà nội vượt 41%...

Xu hướng ngày càng có nhiều người bị thừa cân béo phì đang đặt ra những thách thức đối với nền y tế. Bởi béo phì gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ.

"Béo phì có thể gây tăng áp lực nội sọ, đục thủy tinh thể, rối loạn mỡ máu, nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, hội chứng buống trứng đa nang, viêm tắc tĩnh mạch, thoái hóa khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính..." - GS.TS.BS Trần Hữu Dàng-CT Hội nội tiết và đái tháo đường VN thông tin.

Nhiều nước trên thế giới đã xem béo phì là một bệnh và được quản lý, theo dõi tại các cơ sở y tế. Còn ở nước ta, mới đây Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn riêng về chẩn đoán điều trị béo phì và sẽ được áp dụng tại tất cả các cơ sở y tế. Mục tiêu trước mắt giúp bệnh nhân béo phì được điều trị hiệu quả, về lâu dài làm giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế.

Điều trị thừa cân béo phì: Nguyên tắc cần nhớ

TS.BS Nghiêm Nguyệt Thu, Trưởng Khoa dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế - Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho biết, nguyên nhân gây thừa cân béo phì là do tăng quá mức năng lượng ăn vào, trong khi năng lượng tiêu hao ít.

Để giảm cân, nhiều người đã chọn cách giảm tối đa lượng thực phẩm ăn vào, tăng thời gian, cường độ tập luyện. Cách giảm cân như thế liệu đã khoa học?

Theo TS.BS Nghiêm Nguyệt Thu, nguyên lý của điều trị béo phì là kết hợp nhiều chuyên khoa khác nhau, trong đó can thiệp lối sống, bao gồm: can thiệp dinh dưỡng, tập luyện thể lực, thay đổi hành vi, hỗ trợ tâm lý là nền tảng căn bản.

Về nguyên tắc can thiệp dinh dưỡng, BS Nguyệt Thu lưu ý, người bệnh phải điều trị kiên trì, giảm cân một cách từ từ, bền vững. Nếu chỉ trong một thời gian ngắn (1-2 tháng) mà giảm từ 2-3kg, về mặt y tế đây là cách giảm cân không bền vững.

"Thông thường mức đạt mục tiêu là giảm được từ 5-10% trọng cơ thể trong vòng 6 tháng" - TS.BS Nghiêm Nguyệt Thu cho biết.

Để thực hiện được điều này, nên áp dụng chế độ ăn giảm năng lượng, thực hiện chế độ ăn cân đối giữa các chất sinh nhiệt, hạn chế các loại carbohydrate hấp thu nhanh (các loại bánh ngọt có đường, loại củ cung cấp nhiều tinh bột như khoai lang, khoai sọ, khoai tây..) và các chất béo bão hòa, hạn chế ăn muối (dưới 5g/ngày), kiêng rượu.

Về chế độ tập luyện, người bệnh chỉ nên tập luyện với cường độ trung bình là đủ. "Cần thăm dò tim mạch trước khi bắt đầu chương trình vận động, nhất là với người lớn tuổi, có yếu tố nguy cơ tim mạch. Có thể tập vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, miễn là phù hợp với nề nếp sinh hoạt của mình. Mỗi ngày nên tập từ 30-40', nếu không có điều kiện có thể chia ra từ 2-3 lần/ngày, mỗi lần 5-10'.." - TS.BS Nghiêm Nguyệt Thu khuyến cáo.

Để giảm mỡ, không giảm cơ người thừa cân, béo phì cần lưu ý, dù giảm năng lượng ăn vào, nhưng vẫn phải đảm bảo duy trì đủ chất đạm, vitamin, chất khoáng cho cơ thể. Đặc biệt, không thực hiện điều trị giảm cân theo cách "bỏ đói cơ thể".