Hệ lụy khôn lường từ thẩm mỹ “chui”

Cách đây 2 năm, chị N.H.M ở quận Hà Đông, Hà Nội đã đi phẫu thuật nâng mông ở một cơ sở spa được quảng cáo trên mạng. Mất 20 triệu đồng cho một lần điều trị. Không bao lâu sau, chỗ bị tiêm chất filler có biểu hiện sưng, cứng và bị hoại tử. Để điều trị, chị đã trải qua 5 lần phẫu thuật vì có nhiều ổ áp xe, bác sĩ phải rạch đùi và mông để tháo mủ. “Bác sĩ giải thích cho em cơ sở spa đó đã tiêm vào mông của em nhiều lớp biểu bì, tiêm đến đâu thì nó sẽ phá sự liên kết ra. Những hạt silicon lẩn trong những thớ cơ bị vón cục thành ra nó bị viêm. Chữa rất dai dẳng và lâu dài” – Chị N.H.M chia sẻ.

Tương tự, sau một lần đi cùng bạn đến một cơ sở spa làm đẹp, chị N.T.T ở quận Cầu Giấy, Hà Nội đã không thể cưỡng lại được những lời dụ dỗ ngon ngọt của nhân viên bán hàng ở đây để rồi quyết định nâng ngực và mông. Sau đó, cả chị N.T.T và bạn mình đều bị áp xe gây đau nhức.

Một lần nữa, chị T. và bạn được giới thiệu đến một cơ sở thẩm mỹ ở TP.Hồ Chí Minh để hút dịch. Thế nhưng tiền mất, tật vẫn mang. Chị N.T.T kể: “Tôi đến khám một bác sĩ nổi tiếng trên mạng ở TP.Hồ Chí Minh. Bác sĩ cho hút dịch nhưng không hiệu quả. Bây giờ, của tôi xấu lắm, bị giãn các thứ, không ổn định và gây khó chịu”.

Cả chị T. và M. vẫn may là còn cơ hội để sữa chữa sai lầm. Thực tế, đã có không ít người phải “bỏ cả mạng sống” của mình chỉ vì quá tin vào những lời quảng cáo đầy hấp dẫn của các cơ sở hành nghề thẩm mỹ trái phép. Gần đây nhất, ngày 18/3, một cô gái 22 tuổi quê ở Long An đã tử vong sau hơn 2 tháng hôn mê bất tỉnh kể từ khi đến cơ sở thẩm mỹ tại ngõ 147A Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) để nâng mũi. Cùng ngày, một bệnh nhân nữ 33 tuổi ở Đồng Tháp đã đột ngột qua đời khi đi phẫu thuật nâng ngực thẩm mỹ tại Bệnh viện 1A, trụ sở tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.

Vì đâu đến nỗi?

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng nhưng khi đã phẫu thuật thẩm mỹ có nghĩa khách hàng phải dùng đến dao kéo, việc này không còn đơn giản như trang điểm, kẻ chân mày hay đánh son nữa. TS.BS Uông Thanh Tùng – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình – thẩm mỹ, BV Xanh Pôn cho biết, việc phẫu thuật thẩm mỹ chuẩn sẽ phải tuân theo quy trình: Gây mê và thực hiện phẫu thuật. Trước khi gây mê, bệnh nhân được làm đầy đủ các xét nghiệm về chức năng tim mạch, huyết áp… Nếu đáp ứng điều kiện an toàn mới được tiến hành làm. Trong suốt quá trình từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, cơ sở y tế thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ phải có máy theo dõi và dụng cụ cấp cứu để kịp thời xử trí những biến chứng gây mê có thể xảy ra. Bác sĩ, kỹ thuật viên thực hiện đều là những người được đào tạo chuyên khoa về thẩm mỹ và gây mê. Thế nhưng, ở các cơ sở thẩm mỹ “chui” các công đoạn này thường bị xem nhẹ. Và, đó là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đau lòng xảy ra.

Cũng theo bác sĩ Uông Thanh Tùng, mỗi tháng, các bác sĩ ở Khoa Phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ, BV Xanh pôn tiếp nhận và can thiệp cho khoảng 5-10 ca bị biến chứng do tiêm chất filler ở những cơ sở thẩm mỹ không phép. Vấn đề ở chỗ, filler được thế giới chứng nhận an toàn khi sử dụng làm đầy ở những vị trí trên mặt hay trên cơ thể. Tuy nhiên, để kiếm lời, rất có thể các cơ sở thẩm mỹ chui đã sử dụng filler giả để tiêm cho khách hàng.

Nhiều cơ sở thẩm mỹ đang hoạt động một cách trái phép trong khi công tác quản lý lại thiếu và yếu

Bắt kịp nhu cầu làm đẹp mà hơn nữa là phẫu thuật thẩm mỹ của nhiều người, các cơ sở thẩm mỹ đã mọc lên như nấm. Qua việc kiểm tra cho thấy nhiều cơ sở vi phạm quảng cáo, thực hiện nâng mũi, cắt mí nhưng không được cấp phép. Có những cơ sở từng bị xử phạt và đình chỉ nhiều lần nhưng sau đó một thời gian lại tiếp tục hoạt động. Lý do là sự quản lý của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo và các quy định còn chồng chéo khiến nhiều chủ cơ sở lách được kẽ hở của luật pháp để vi phạm.

Hiện, những cơ sở gội đầu cũng làm thẩm mỹ thì họ lại không thuộc ngành y tế mà do Sở Lao động - Thương binh – Xã hội quản lý. Chúng ta cũng không đủ lực lượng để đi kiểm tra thường xuyên các cơ sở thẩm mỹ tư nhân. Vì vậy cần phải có sự phối hợp liên ngành giữa y tế và Sở Lao đông – Thương binh – Xã hội trong vấn đề kiểm tra, giám sát, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, nơi có nhiều cơ sở thẩm mỹ tư nhân nhất” – BS Uông Thanh Tùng đề xuất.

Về trình độ của bác sĩ thực hiện các ca thẩm mỹ ở cơ sở y tế tư nhân, TS.BS Uông Thanh Tùng cũng cho rằng, hiện có thực trạng bên cạnh những bác sĩ có trình độ chuyên môn thì vẫn còn có nhiều bác sĩ chuyển sang từ các chuyên ngành khác nhưng không được đào tạo chuyên môn về phẫu thuật thẩm mỹ mà chỉ dựa vào kẽ hở của pháp luật để được cấp phép hành nghề.

Vì vậy, để an toàn, bác sĩ Uông Thanh Tùng khuyến cáo, trước khi phẫu thuật thẩm mỹ, khách hàng hãy yêu cầu cơ sở thẩm mỹ cho xem chứng chỉ hành nghề của bác sĩ, tìm hiểu kỹ thời gian hành nghề, có được đào tạo chính quy không, thực hiện được bao nhiêu ca, xem sản phẩm của bác sĩ đó, yêu cầu cơ sở cho gặp trực tiếp bác sĩ để kiểm tra một cách chắc chắn chính xác những thông tin còn hoài nghi. Chúng ta cũng có thể tìm đến các trang thông tin về cơ sở thẩm mỹ để tìm hiểu thêm.

Thực tế đã có nhiều người nhờ phẫu thuật thẩm mỹ mà thay đổi cuộc sống của mình, họ tự tin hơn, thành công hơn, song cũng có nhiều người phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến chứng thẩm mỹ do thiếu hiểu biết. Vì vậy, đừng chỉ nghe truyền tai nhau mà hãy tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện, đừng để dẫn đến sự hối hận muộn màng.