Nhân Ngày Nâng cao nhận thức toàn cầu về bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người 6/7 (World Zoonosis Day), chúng tôi đề cập các mối liên hệ ngày càng sâu sắc giữa biến đổi khí hậu và các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang con người.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây đã đưa ra một lộ trình nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến mối đe dọa của các bệnh lây truyền từ động vật sang người, được gọi là zoonosis, đặc biệt là các bệnh nhiệt đới bị lãng quên, xuất hiện trở lại khi con người xâm phạm đến môi trường trước đây chỉ có động vật sinh sống.

Hậu quả của việc con người mở rộng lãnh thổ ngày càng trở nên trầm trọng, đặc biệt là gây biến đổi khí hậu. Ở nhiều nơi trên thế giới, tần suất xuất hiện và cường độ của các hiện tượng khí hậu cực đoan đang có xu hướng tăng; các nguồn tài nguyên thiên nhiên phổ biến cũng đang dần cạn kiệt.

Biến đổi khí hậu đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong các hệ sinh thái hiện có và thay đổi động lực giữa vật chủ, sinh vật truyền nhiễm (vật trung gian) và vi sinh vật truyền nhiễm.

Nhiệt độ cao làm tăng cường sự phát triển, tồn tại và lây lan của nhiều loại bệnh lây nhiễm từ động vật sang người do tiếp xúc trực tiếp, qua vật trung gian hoặc qua thức ăn và nước bị nhiễm bệnh. Khi sự tương tác giữa động vật hoang dã, động vật được thuần dưỡng và con người trở nên phổ biến hơn thì sự lây truyền và lan rộng của các bệnh dịch này cũng ngày càng tăng.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan dẫn đến những thay đổi trong hành vi của động vật, con người và cả mục đích của việc sử dụng đất. Nó cũng có thể gây ô nhiễm nguồn nước do sự rò rỉ của các mầm bệnh và độc tố gây hại, dẫn đến ô nhiễm thực phẩm.

Trong bối cảnh đó, rất cần sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của các bác sĩ thú y, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các nhà khoa học nghiên cứu về động vật hoang dã, về môi trường. Sự hợp tác này sẽ thiết lập nên các chương trình giám sát phòng ngừa, tiêm chủng và điều trị người bệnh càng sớm càng tốt.

THỰC TẾ

Một số bệnh như HIV/AIDS, bắt đầu là sự lây truyền từ động vật sang người nhưng sau đó đã biến đổi thành chủng chỉ xuất hiện trên người. Bản thân con người cũng có thể gây ra các đợt bùng phát bệnh, ví dụ như dịch bệnh do vi rút Ebola và vi khuẩn salmonella gây ra.

Nhiệt độ cao hơn ảnh hưởng đến số lượng, sự phân bố và tỷ lệ châm đốt của các loài động vật chân khớp hoặc côn trùng (vật trung gian truyền bệnh) như muỗi, bọ ve và ruồi cát. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ví dụ như sóng nhiệt, là kẻ thù các loài gặm nhấm khi buộc chúng phải di chuyển vào trong nhà để tìm kiếm nước và thức ăn duy trì sự sống.

Mưa lớn tạo ra các địa điểm sinh sản hoàn hảo trong các bụi cây rậm rạp, vừa là nơi trú ẩn, vừa là nơi nghỉ ngơi cho muỗi. Nhiều loại cây trồng và cây lương thực phát triển tốt hơn sau những cơn mưa lớn đã thúc đẩy các loài gặm nhấm sinh sản và gia tăng “dân số”.

Nhiều căn bệnh như sốt rét, bệnh do nhiễm leishmaniasis và bệnh lyme được dự đoán sẽ lây lan sang các vùng lạnh hơn trên thế giới, nơi chúng chưa bao giờ xuất hiện trước đó.

Hầu hết các dự đoán về bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người không đánh giá được một cách đầy đủ các yếu tố nguy cơ đồng thời hoặc sự tương tác giữa chúng. Điều này tạo nên nhiều hạn chế trong việc nhận thức một bức tranh toàn cảnh về bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.

Ý TƯỞNG LỚN

"Khoảng 2 trong số 3 bệnh truyền nhiễm mới do mầm bệnh truyền từ động vật sang người gây ra - điều này làm nổi bật tầm quan trọng của việc hiểu được những rủi ro thực sự đằng sau mối liên hệ giữa người và động vật", - Kirk Douglas, Đại học Tây Ấn.

"Khi nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng, mùa hè dài hơn dẫn đến vòng đời của nhiều loài côn trùng và cả vi khuẩn hoặc ký sinh trùng mà chúng mang theo cũng dài hơn”, - Ilan Kelman, Đại học College London.

Oladele A. Ogunseitan, Đại học California, Irvine: "Có rất nhiều loại nấm tiềm ẩn nguy hiểm bởi chúng tạo thành các bào tử, có thể tồn tại lâu dài và lây lan với tốc độ chóng mặt. Vì vậy, đây chính là những dấu hiệu cảnh báo về những nguy cơ tiềm tàng của mầm bệnh".

"Cần thực hiện các hoạt động giám sát ở bất cứ nơi nào mà con người và động vật chia sẻ một không gian chung. Chúng ta hiện đã có những máy móc và thiết bị công nghệ để có thể nhận biết được những loại sinh vật nào có thể lây lan cho con người."

(Ngọc Mai lược dịch, nguồn: 360info)

Tác giả:

Tiến sĩ Ruwini Rupasinghe - Nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành Dịch tễ học tại Trung tâm Giám sát và Mô hình Dịch bệnh Động vật tại Đại học California Davis, cơ sở dữ liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO).

Giáo sư Beatriz Martínez López - Giám đốc Trung tâm Giám sát và Mô hình Dịch bệnh Động vật tại Đại học California Davis, cơ sở dữ liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO).