Chị Trần Thu Trang, ở Đông Anh, Hà Nội đón con từ bệnh viện về nhà, lẫn trong niềm hạnh phúc là sự âu lo. Em bé sinh ở tuần thứ 32, chỉ nặng có 1,2kg. Sau hơn 1 tháng ở viện điều trị sức khỏe ổn định, bé mới được về nhà.

Dù đã có kinh nghiệm chăm con từ lần sinh đầu, nhưng chị Trang vẫn cảm thấy vụng về trước cơ thể yếu ớt và rất dễ nhiễm bệnh của con. Chị kể: "Con về nhà được 2 tháng thì 4 lần phải đi viện vì bị viêm phổi. Lo lắng cho con, cộng với việc chăm con vất vả, chị Trang cũng bị mất luôn sữa.

Bác sỹ Nguyễn Quỳnh Hương, công tác tại Khoa Sơ sinh- Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết: "Hầu hết các mẹ đều gặp phải vấn đề như chị Trang, còn lúng túng và thiếu kiến thức chăm con thiếu tháng. Chính vì vậy, điều đầu tiên các mẹ cần phải lưu ý là cách cho con ăn. Bú bình là cách bú đơn giản nhất, sau đó bố mẹ tập cho con bú mẹ. Nếu cả 2 cách này không được thì phải xúc từng thìa cho con".

Nhưng với nhiều trẻ, nhu cầu cơ thể cao hơn khả năng ăn nên buộc các mẹ phải sử dụng sữa năng lượng cao. Bác sỹ Quỳnh Hương cũng chia sẻ một mẹo nhỏ, đó là: khi bú mẹ, các mẹ nên vắt bỏ sữa trong đầu tiên, cho con con bú sữa cuối vì nhiều năng lượng hơn.

Ngoài ra, với trẻ sinh non, hệ miễn dịch kém, phổi, hô hấp thường hay bị viêm, vì vậy, cách tốt nhất là phải đảm bảo vệ sinh và đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm cho bé. “Bàn tay của người chăm sóc trẻ phải được vệ sinh sạch sẽ bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng. Bố mẹ nên đặt em bé lên một cái chăn nhỏ riêng và thay thường xuyên cùng với quần áo hàng ngày”, bác sỹ Quỳnh Hương hướng dẫn.

Để đảm bảo nhiệt độ phòng, các mẹ nên đặt một chiếc nhiệt kế ở gần con. Nhiệt độ phòng dành cho trẻ non tháng là từ 28 đến 30 độ C. Và độ ẩm cần thiết là từ 70-75%.

“Nhiệt độ và không khí ổn định là hai yếu tố quan trọng nhất đảm bảo phổi của em bé được khỏe mạnh, tránh được các viêm nhiễm thường gặp”, bác sỹ Quỳnh Hương nhấn mạnh.