Hưởng ứng tuần lễ “Làm mẹ an toàn” năm nay, xã Sơn Phú, huyện Na Hang tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức buổi truyền thông về dinh dưỡng, khám sức khỏe sinh sản và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ từ 15 đến 60 tuổi.

Y sĩ Quan Trung Sỹ, trưởng trạm y tế xã cho biết, kể từ khi triển khai dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, những buổi truyền thông, tư vấn như thế này được tổ chức khá thường xuyên. Đặc biệt xã còn phối hợp với chương trình phát triển vùng tổ chức mô hình tư vấn thăm hộ gia đình và quản lý thai nghén, chăm sóc bà mẹ mang thai. Nhờ đó, hiểu biết của bà mẹ về cách chăm sóc sức khỏe, chăm sóc dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai và quá trình nuôi trẻ được nâng cao, hành vi chăm sóc trẻ cũng có nhiều thay đổi so với trước kia.

"Lúc đẻ con ra bác sĩ hướng dẫn em lấy nước nóng chườm để sữa nhanh về, sau đó em vắt sữa non cho con uống, lúc con bắt đầu bú được thì em cho con con bú" - chị Lý Thị Hằng, người dân ở thôn Bản Dạ xã Sơn Phú cho biết. Năm nay chị Hằng 28 tuổi và vừa sinh bé thứ 2 được 19 tháng. Ở lần mang thai thứ 2 này, theo hướng dẫn của cán bộ y tế cứ 3 tháng chị lại đến trạm y tế khám để được theo dõi sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.

Đặc biệt, ở Sơn Phú bây giờ còn rất ít sản phụ sinh tại nhà, nếu có chỉ là chị em đồng bào dân tộc H' Mông, do tập quán và do địa bàn họ ở quá xa nên khi trở dạ không kịp đến cơ sở y tế.

Theo y sĩ Quan Trung Sĩ, trưởng trạm y tế xã Sơn Phú, cũng nhờ làm tốt công tác truyền thông, hiện nay các bà mẹ đã chủ động đến trạm y tế - không chỉ để khám thai, hay tiêm vaccine cho con mà còn để được tư vấn về những vấn đề mình còn băn khoăn, thắc mắc.

"Trước sinh thì bà mẹ hay quan tâm đến vấn đề như có nên đi khám định kỳ, có nên tiêm phòng và làm các loại xét nghiệm cần thiết…Nhìn chung hiện bà mẹ đã ý thức hơn về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, ý thức được tầm quan trọng của việc khám thai định kỳ và đã đến trạm để được thăm khám và được tư vấn cách chăm sóc con..." - Y sĩ Quan Trung Sĩ cho biết.

Trong 9 tháng đầu năm nay xã Sơn Phú có 23 bà mẹ mang thai, tỷ lệ khám thai 3 lần theo khuyến cáo đạt 95% và không có trường hợp nào bị tai biến sản khoa...

Ở xã Đà Vị, cách trung tâm huyện Na Hang 38km, địa hình phức tạp, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, chúng tôi cũng đã gặp những bà mẹ cùng nhau đến nghe buổi truyền thông về giáo dục làm mẹ an toàn ở trạm y tế xã nhân tuần lễ “Làm mẹ an toàn”.

"Qua những buổi tư vấn truyền thông bọn em hiểu hơn về kiến thức chăm con, khoa học hơn, con biếng ăn em biết bổ sung chất này, chất kia để con bớt biếng ăn, em cũng hiểu được tầm quan trọng của việc cho con ăn đủ chất để con không bị suy dinh dưỡng…" - chị Hoàng Kim Loan – một trong số các bà mẹ ở đây chia sẻ.

Cũng theo chị Loan, trước khi sinh con thứ hai, chị được tham gia lớp tập huấn về chăm sóc trẻ 1.000 ngày đầu đời, chị đã tận dụng tối đa những kiến thức đó để chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và con ngay từ khi mang thai cho đến 2 năm đầu đời của con.

Y sĩ Nông Thị Thà – trưởng trạm y tế xã Đà Vị cho biết, người dân ở đây đa phần là làm nông, đời sống còn nhiều khó khăn, thông qua mô hình tư vấn thăm hộ - y tá thôn đến từng nhà để tư vấn chế độ dinh dưỡng cho trẻ ngay sau sinh và chăm sóc sức khỏe bà mẹ ngay sau sinh, các bà mẹ đã được tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn, nuôi con khoa học hơn. Hiện chỉ còn một số ít phụ nữ dân tộc Mông vẫn duy trì tập quán đẻ tại nhà. Nhưng những trường hợp này đều có y tế thôn đến hỗ trợ.

Theo bác sĩ Trần Tuấn Bình - Giám đốc TTYT huyện Na Hang, để thực hiện mục tiêu cải thiện sức khoẻ của người dân trên địa bàn, huyện Na Hang đã triển khai mô hình tư vấn tiền hôn nhân, mô hình “chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời”, trong đó chú trọng đẩy mạnh hoạt động truyền thông tới xã, thôn, bản, cung cấp viên sắt, viên đa vi chất cho phụ nữ có thai – đặc biệt tại 4 xã khó khăn.

"Với mô hình tư vấn tiền hôn nhân chúng tôi phối hợp với nhà trường tổ chức cho học sinh ngay từ khi các em mới học cấp 2. Chương trình chăm sóc 1.000 ngày đầu sau sinh cũng triển khai đến tất cả các trạm y tế, trạm y tế tiếp tục hướng dẫn cho các y tá thôn, bản có những buổi nói chuyện, hướng dẫn thực hành. Ví dụ như dinh dưỡng chẳng hạn thì mình đến tận thôn để hướng dẫn cho người ta làm. Theo đánh giá của tôi thì rất tốt..." - bác sĩ Trần Tuấn Bình nói.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhưng 2 xã Sơn Phú và Đà Vị nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung vẫn còn nhiều khó khăn thách thức để triển khai tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Trong đó nhân lực và kinh phí là 2 vấn đề trọng tâm nhất.

"Hiện tại có 12 xã nhưng có 3 xã chưa có BS. Có 6 xã có BS làm trực tiếp ở đấy, xã còn lại họ làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần tại trạm. Năm vừa rồi trung tâm không tuyển được BS, khó lắm…" - Bác sĩ Trần Tuấn Bình - Giám đốc TTYT huyện Na Hang nêu thực tế vấn đề nhân lực tại tuyến xã và tuyến huyện.

Còn ở tuyến tỉnh, theo bác sĩ Đỗ Thị Lệ Quyên, Phó Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang, Khoa CSSK sinh sản 2 năm nay cũng chỉ có 2 cán bộ thay nhau triển khai các hoạt động.

Cùng với nhân lực là những hạn chế về kinh phí."Khó khăn nhất bây giờ là kinh phí vì chăm sóc 7 đến 42 ngày đầu sau sinh chỉ có ở dự án 7, cán bộ sản và y tế thôn bản hoặc có đỡ đẻ tại nhà mình đến chăm sóc tại nhà 7 đến 42 ngày đầu trong dự án 7 có, nhưng chỉ có ở vùng 3 nhưng kinh phí không nhiều nên thực hiện không được tốt. Nếu có kinh phí mình sẽ triển khai chăm sóc sức khỏe bà mẹ được tốt hơn…" - bác sĩ Đỗ Thị Lệ Quyên bày tỏ.

Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, song theo ước tính của Liên Hợp quốc năm 2021, tại nước ta cứ 1.000 trẻ sinh ra có gần 10 trẻ tử vong. Vì thế, mỗi ngày Việt Nam có 39 trẻ sơ sinh tử vong. Ngoài ra, chỉ số tử vong trẻ dưới 5 tuổi hiện ở mức 18,9 phần nghìn - cao hơn so với một số nước có cùng mức thu nhập.

Đặc biệt, ở vùng dân tộc thiểu số, chỉ số tử vong trẻ cao gấp khoảng 7 lần so với thành thị, tử vong mẹ ở vùng sâu vùng xa, miền núi khó khăn cũng cao gấp hơn 3 lần thành phố.

"Các can thiệp trọng tâm giúp giảm tử vong mẹ và trẻ trở sinh hiện đang triển khai, thứ nhất về phía bà mẹ là chăm sóc, quản lý thai nghén, có nghĩa là khi bà mẹ có thai cán bộ y tế sẽ hỗ trợ đăng ký quản lý thai nghén tại cơ sở y tế và sinh tại cơ sở y tế. Thứ 2 là chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ giúp trẻ được bú sữa mẹ ngay từ đầu để có tình trạng sức khỏe tốt. Đối với những trẻ nhẹ cân, non tháng sẽ áp dụng biện pháp Kangaroo. Ngoài ra còn tăng cường đào tạo, tập huấn cho tuyến tỉnh về các nội dung của chương trình "Làm mẹ an toàn" - ông Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe - Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) thông tin với phóng viên VOV2.