Mạng xã hội đang phát triển rất nhanh vì vậy hoạt động thương mại trên các nền tảng này ngày càng đa dạng, thuận lợi cho cả người mua và người bán. Tuy nhiên đây cũng là 1 thách thức rất lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát chất lượng, nhất là với 1 loại hàng hóa đặc biệt như thuốc, dược phẩm.
Đề xuất cấm bán thuốc qua mạng xã hội, livestream trong Luật Dược (sửa đổi) vì thế nhận được nhiều sự quan tâm. PV VOV2 phỏng vấn BS Trần Văn Phúc, công tác tại Bệnh viện Đa khoa Xanh - Pôn và cũng là một người dành nhiều sự quan tâm đến các vấn đề của ngành y tế:
Phóng viên: Hoạt động mua bán thuốc trên mạng xã hội và livestream thời gian qua đã cho thấy những vấn đề gì thưa ông?
BS Trần Văn Phúc: Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay cũng như của nền y tế, người bệnh đang rất khó khăn với thông tin của các sản phẩm thuốc và rất khó khăn để tiếp cận, mua bán thuốc. Điều này dẫn đến việc bán thuốc tràn lan trên mạng xã hội, ví dụ livestream trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook ngày càng phổ biến thậm chí biến tướng trở thành một tệ nạn của xã hội.
Việc mua bán dược phẩm trên thương mại điện tử nói chung và quảng cáo trên nền tảng trực tuyến nói riêng đang trở thành xu thế chung của toàn thế giới mà các nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà phân phối cũng như hệ thống y tế và người bệnh đang có xu hướng chấp nhận. Tuy nhiên điều chúng ta cần ở đây là hành lang pháp lý cho các hoạt động đó để làm sao không có hiện tượng biến tướng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân cũng như vấn đề an toàn khác của toàn xã hội.
Phóng viên: Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Bộ Y tế đề xuất cho phép các cơ sở kinh doanh dược phẩm được bán trên sàn thương mại điện tử, website. Liệu đây có phải là bước tiến quan trọng và mở ra một cơ hội đáng kể để kinh doanh dược tham gia thị trường trực tuyến hay không thưa ông?
BS Trần Văn Phúc: Thương mại điện tử là xu thế tất yếu toàn cầu, các quốc gia xung quanh chúng ta ví dụ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đặc biệt Indonesia – rất thành công trên sàn thương mại điện tử về dược, về mua bán thuốc.
Chúng ta biết rằng, từ khâu sản xuất đến tay người bệnh thì trải qua rất rất nhiều bước trung gian. Khi hoạt động trên thương mại điện tử thì ngay lập tức sẽ rút ngắn được bước trung gian đó và giảm được chi phí đáng kể cho người bệnh, đồng thời giúp cho người bệnh tiếp cận được các sản phẩm dược tốt hơn.
Tuy nhiên tìm vào một loạt nhà thuốc nổi tiếng ở Việt Nam thì tôi chưa thấy website nào theo đúng tiêu chuẩn của các website thương mại điện tử. Điều này thể hiện rằng chúng ta đang hiểu vấn đề bị sai. Thương mại điện tử không phải chỉ là những mua bán trực tuyến đơn giản mà nó là cả một lĩnh vực khoa học đằng sau nó. Và khi không hiểu được vấn đề cộng với thiếu hành lang pháp lý nên việc kinh doanh thuốc, dược phẩm trực tuyến không mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, lợi ích về mặt điều trị, cũng như hiệu quả về mặt xã hội.
Phóng viên: Nhưng hoạt động này sẽ không được thực hiện trên nền tảng mạng xã hội hay qua hình thức livestream trực tuyến. Xin ông cho biết quan điểm về đề xuất này của Bộ Y tế?
BS Trần Văn Phúc: Việc thả lỏng hoàn toàn sẽ dẫn đến hiện tượng mua bán như thời gian vừa rồi là quảng cáo sai sự thật, quảng cáo tràn lan. Tuy nhiên không chấp nhận hình thức quảng cáo trực tuyến trên nền tảng xã hội như Facebook hay tik tok thì cũng không nên bởi nhu cầu của người bệnh là có thực. Hơn nữa chúng ta không thể kiểm soát được khi có rất rất nhiều người muốn mua và người muốn bán.
Các quốc gia trên thế giới khi hoạt động thương mại về dược thì vẫn hoàn toàn có thể quảng cáo ở trên các nền tảng xã hội khác tuy nhiên Luật pháp phải đưa ra hành lang cụ thể: khi quảng cáo trên nền tảng trực tuyến thì chỉ được quảng cáo cái gì, quảng cáo như thế nào, thông tin về sản phẩm chứ không được có hình thức mua bán như chúng ta. Trang thương mại điện tử phải cung cấp thông tin khoa học, cung cấp thông tin có giá trị nhất, giúp người bệnh tiếp cận được với các sản phẩm thuốc một cách đa dạng, phong phú mà không mất quá nhiều thời gian đi tìm mua ở nơi này nơi khác
Tôi cho rằng phải nghiên cứu đến tính khả thi của nó, nghĩa là vẫn cho phép quảng cáo trên các nền tảng xã hội tuy nhiên phải có hành lang pháp lý thật sự khoa học và yêu cầu tất cả mọi người phải tuân thủ.
Phóng viên: Quy định này, nếu được thông qua, theo ông sẽ tác động ra sao tới việc mua bán thuốc qua thương mại điện tử?
BS Trần Văn Phúc: Khi Luật hóa thương mại điện tử trong lĩnh vực về Dược thì điều này mang lại sự tiến bộ cho ngành Dược nói riêng và hệ thống y tế nói chung. Nhưng quan trọng Luật hóa của chúng ta ở đây bao gồm những nội dung gì, bởi đưa ra những quy định không sát với thực tiễn, chúng ta quá khắt khe, quá cực đoan, quá thả nổi thì tất cả mang lại hiệu quả không tốt. Ngược lại nếu tuân thủ một cách chặt chẽ khoa học thì tôi cho rằng rất có ý nghĩa bởi sẽ giúp quản lý và giảm thiểu rủi ro tác động đến đời sống người dân; các doanh nghiệp vẫn được buôn bán, kinh doanh thuốc, dược phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử chính thống như website và ứng dụng riêng để tiếp thị và bán hàng.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!