Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết trong quá trình điều trị, ngoài các loại thuốc nhằm hạn chế sự phát triển của virus và một số loại thuốc đặc biệt phục vụ điều trị thì oxy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm nguy cơ tử vong ở các bệnh nhân nặng. Trên 60% các ca nhiễm Covid-19 diễn biến nặng đã phải sử dụng liệu pháp oxy để hỗ trợ hô hấp.

Tuy nhiên, trải qua các đợt dịch Covid-19 trong suốt 2 năm qua, các nước đã ghi nhận nhiều thảm họa y tế do thiếu nguồn cung oxy và các thiết bị liên quan như thiếu hụt bình oxy hay các thiết bị hỗ trợ hô hấp. Đây là thực tế đáng buồn trong khi có thể chủ động chuẩn bị tốt hơn nhằm giảm tỷ lệ tử vong do thiếu oxy.

Nhận định dịch bệnh còn có thể kéo dài với diễn biến phức tạp, khó lường do các biến chủng mới của SARS-CoV-2, để chủ động chuẩn bị sẵn sàng oxy và các trang thiết bị y tế liên quan, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã thành lập tổ công tác điều phối oxy y tế và tổ công tác điều phối máy thở điều trị người bệnh Covid-19 phục vụ công tác cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19.

Tổ công tác đã rà soát, đưa ra các chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị chuẩn bị sẵn sàng oxy và các trang thiết bị liên quan để không bị động trong mọi tình huống, kể cả trong trường hợp dịch bệnh có thể kéo dài với nhiều ca diễn biến nặng dẫn đến nhu cầu oxy tăng cao.

Bộ Y tế cũng đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp oxy, thiết bị máy thở để chuẩn bị nhu cầu cần thiết theo các cấp độ dịch có thể xảy ra trong thời gian tới.

Bộ Y tế đã phối hợp với Tổ chức PATH tại Việt Nam tiến hành khảo sát thực trạng oxy y tế và trang thiết bị chăm sóc hô hấp, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện trên toàn quốc.

Kết quả khảo sát cho thấy chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực cho cấp cứu. Ngoài ra có khoảng trống ở tuyến huyện, cách biệt lớn giữa số giường cấp cứu và trang thiết bị y tế đi kèm.

Hiện nay tổng năng lực sản xuất oxy lỏng của các nhà máy tại nước ta là khoảng trên 1.200m3 lỏng/ngày (1400 tấn). Con số này hiện tương đương hoặc cao hơn các nước đang phát triển như Ấn Độ hay Indonesia, song thấp hơn Mỹ và các nước châu Âu.

Mạng lưới phân phối bình khí dày đặc hơn, với 190 nhà cung ứng có mặt ở 55 tỉnh, thành. Tuy nhiên, có 8 tỉnh thành hầu hết ở Tây Bắc và đồng bằng sông Cửu Long không có sự hiện diện của nhà phân phối bình khí. Theo tổ chức PATH tại Việt Nam, đây là con số khảo sát từ đầu năm, hiện nay những con số này đã tăng lên.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, hiện nay có sự phân bố không đều giữa các tỉnh, các vùng miền về sản xuất, cung ứng oxy, thiếu nhiều ở các tỉnh, khu vực Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, trong khi tập trung nhiều ở các tỉnh thành lớn như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai…

"Các cơ sở sản xuất, cung ứng oxy trên cả nước tạm thời cung ứng đủ oxy y tế. Tuy nhiên, nếu dịch bùng phát mạnh thì sẽ thiếu vì thế các địa phương cần có các kế hoạch ứng phó cần thiết, đặc biệt chuẩn bị trước khả năng để chuyển từ sản xuất oxy công nghiệp sang oxy y tế"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhận định.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các tỉnh cần hoàn thiện ngay tổ công tác, rà soát ngay hệ thống sản xuất cung ứng oxy trên địa bàn, lên kịch bản ứng phó phù hợp với diễn biến dịch tại địa phương gồm thuốc men, trang thiết bị và oxy. Yêu cầu là cần đảm bảo chủ động trong mọi tình huống để không thiếu trang thiết bị, thuốc, oxy, làm việc với các nhà cung ứng, sản xuất, làm việc với tỉnh lân cận để điều phối theo vùng...