Tối qua (9/12), tại Hà Nội, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) phối hợp cùng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) và Nhóm Kỹ thuật Sức khỏe Người di cư tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Người di cư.

Từ năm 2015, trong chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, di cư đã chính thức được thừa nhận là nhân tố thúc đẩy sự bền vững. Di cư giúp tăng cường lực lượng lao động, thúc đẩy đầu tư, sáng tạo, đổi mới, giao lưu văn hóa, tạo cơ hội phát triển cho bản thân người di cư cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của nước gốc và nước tiếp nhận. Theo báo cáo của Tổ chức di cư quốc tế (IOM), dự báo đến năm 2050 sẽ có khoảng 405 triệu người di cư giữa các nước.

Tuy nhiên, trong quá trình di cư, người di cư cũng đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Họ là nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là trong tình huống y tế công cộng khẩn cấp hay những tác động từ biến đổi khí hậu hiện nay. Theo Liên hợp quốc, đã có hơn 50.000 người di cư đã thiệt mạng trên các tuyến đường di cư trên khắp thế giới, kể từ năm 2014. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường hơn nữa các giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng di cư qua các kênh không chính thức, để mỗi người di cư trên hành trình di cư an toàn và hợp pháp của mình có thể phát huy vai trò, động lực đối với phát triển bền vững.

Phát biểu tại Kỷ niệm Ngày Quốc tế Người di cư, bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam nhấn mạnh: "để đảm bảo người di cư có thể tận dụng hết khả năng của họ, chúng ta cần có nhiều hơn nữa các hoạt động đối ngoại và tham vấn giữa Chính phủ, các tổ chức quốc tế, lĩnh vực công nghệ, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các cơ quan thực thi pháp luật để các bên cùng chung tay".

Phát biểu tại sự kiện, bà Phan Thị Minh Giang, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại Giao cho biết, Việt Nam đang có hơn 650.000 người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, gần 2.000 du học sinh, chưa kể các loại hình di cư khác.

“Hoạt động di cư của công dân VN ra nước ngoài đã góp phần giải quyết sức ép về việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, chuyển giao tri thức, nâng cao chất lượng, nguồn nhân lực, tạo động lực cho sự phát triển của địa phương, đất nước” – bà Phan Thị Minh Giang, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại Giao nói.

Với quy mô dân số lớn 100 triệu dân, đồng nghĩa với việc Việt Nam là một thị trường lớn với 100 triệu khách hàng, luôn hấp dẫn bất cứ nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam. Chính những điều này đã tác động đến các dòng di cư tại Việt Nam cũng như dòng di cư đi và đến Việt Nam.

Bà Hoàng Thị Thơm-Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục dân số-Bộ Y tế cho biết, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định cần quan tâm, đầu tư hơn nữa đối với người di cư, bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.

Nhân sự kiện này, bà Hoàng Thị Thơm kêu gọi cộng đồng cùng nhau chung tay chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ người di cư, vì những hành trình khỏe mạnh, an toàn, vì hạnh phúc của mỗi người di cư, của gia đình họ và của cả cộng đồng.

Năm 2000, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết chọn ngày 18/12 hằng năm là Ngày Quốc tế Người di cư trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm đến sự tôn trọng, bảo vệ toàn diện và hiệu quả các quyền cơ bản của người di cư.

Trước đó, vào ngày 18/12/1990, Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước Quốc tế về Bảo vệ Quyền của người lao động di cư và thành viên gia đình họ. Năm 1997, các tổ chức di cư của Philippines và các nước Châu Á bắt đầu kỷ niệm ngày 18/12 như một Ngày Quốc tế Đoàn kết của người di cư.