Ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông. Mỗi năm, nước ta có khoảng 9.200 ca bệnh nhân lao đa kháng thuốc mới mắc, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị. Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao và bệnh lao kháng đa thuốc đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh và gánh nặng bệnh lao cao nhất trên toàn cầu.

Mặc dù tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam còn nặng nề nhưng số bệnh nhân lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính (năm 2023 phát hiện 106.086 bệnh nhân lao các thể). Như vậy, có gần 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị hoặc chưa báo cáo.

Chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng.

Nhân kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2024, phóng viên VOV2 phỏng vấn TS.BS Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đắk Lắk - địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống để tìm hiểu rõ hơn về công tác này.

PV: Thưa ông, công tác phòng chống lao quan trọng là tiếp cận, phát hiện sớm và điều trị triệt để. Tại tỉnh Đắk Lắk những hoạt động này đang được triển khai như thế nào?

TS Bác sỹ Châu Đương: Đắk Lắk có mạng lưới phòng chống lao khá đầy đủ và hoàn thiện từ tỉnh đến huyện và xã phường, thôn bản. Trong 2 năm xảy ra dịch Covid-19 hệ thống phòng chống lao nói chung đều bị ảnh hưởng, tuy nhiên hiện nay đang phục hồi trở lại. Chúng tôi đã triển khai một cách đồng bộ các hoạt động phòng chống lao. Trước hết là đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lao. Thứ hai là triển khai khám sàng lọc tại cộng đồng đối với tất cả những người có yếu tố nghi lao để phát hiện chủ động. Còn tại các cơ sở y tế bệnh nhân đến khám nếu có triệu chứng về hô hấp đều được chỉ định chụp X-quang, nếu phát hiện có tổn thương trên phim X-quang đều được lấy đờm để gửi đi làm xét nghiệm Genne Xper, nếu bệnh nhân có bảo hiểm thì được BH chi trả còn nếu không có thì chương trình chống lao chi trả. Chúng tôi cũng đã triển khai tầm soát phát hiện quản lý lao tiềm ẩn tại 15/15 huyện thị, những ca nào dương tính thì đều được tư vấn đưa vào quản lý điều trị. Rất mừng là tỷ lệ bệnh nhân chấp nhận điều trị tại Đắk Lắk khá cao (trên 90%).

Chương trình chống lao của tỉnh ghi nhận sự hỗ trợ của các tổ chức phi lợi nhuận, ví dụ Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) và 1 số tổ chức khác để tổ chức những đợt tập huấn và các dịch vụ kỹ thuật mới, đặc biệt là sàng lọc chủ động tại cộng đồng. Trong năm 2023 chưa bao giờ Đắk Lắk triển khai được nhiều đợt sàng lọc như thế. Chính là nhờ hoạt động này mà đã phát hiện được hơn 1 nghìn trường hợp mắc lao, tăng hơn so với năm 2022.

PV: Số bệnh nhân lao được phát hiện và đưa vào điều trị hiện nay chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm số bệnh nhân lao ước tính, thưa ông?

TS.BS Châu Đương: Theo ước tính của Tổ chức thế giới dịch tễ lao của Việt Nam rất cao, cứ 100.000 nghìn người dân có khoảng 176 người mắc lao, như vậy với tỉnh Đắk Lắk dân số khoảng 2 triệu người thì 1 năm có ít nhất khoảng 3.500 người mắc lao mới. Tuy nhiên, trong các năm qua chương trình chống lao của tỉnh chỉ mới phát hiện trên dưới 1.000 trường hợp. Như vậy là còn lại khoảng 2.000 trường hợp nằm trong cộng đồng mà vì nhiều lý do chúng ta chưa phát hiện, chưa đưa vào quản lý được. Chính vì vậy, đây là một nguồn lây rất là lớn trong cộng đồng, làm cho tình hình bệnh lao nên nó kéo dài triền miên và khó chấm dứt.

PV: Theo ông có những lý do nào khiến tỷ lệ phát hiện người mắc lao tại địa phương hiện chưa cao?

TS Bác sỹ Châu Đương: Trước hết nói về nguồn lực, hiện nay nguồn lực phòng, chống lao so với trước đây đã tốt hơn, hàng năm tỉnh đều cấp kinh phí cho chương trình hoạt động. Cái thứ hai là hiện các cấp chính quyền địa phương đã quan tâm hơn đối với đối hoạt động phòng chống lao. Tuy nhiên là sự quan tâm này chưa được quyết liệt, chỉ khi nào mình triển khai thì họ mới có chỉ đạo, bình thường chủ yếu là ngành y tế.

Một vấn đề nữa là mặc dù được đầu tư kinh phí nhưng cấp rất chậm, có năm đến 14 tháng 12 kinh phí mới về nhưng 31/12 phải chốt sổ, cho nên hầu như không triển khai được. Năm 2024 này, ngay từ đầu năm kinh phí chương trình mục tiêu đã được phê duyệt, tuy nhiên không nhiều, chắc chỉ đủ cho công tác kiểm tra, giám sát tập huấn, đào tạo, truyền thông còn dành cho công tác sàng lọc rất hạn chế.

Tại Đắk Lắk vấn đề kỳ thị với bệnh lao còn nặng nề, khi tổ chức sàng lọc chúng tôi phải nói chệch đi, không phải là sàng lọc bệnh lao mà là bệnh phổi để người ta bớt sự kỳ thị, người ta đến với mình, nếu nói lao người ta sợ.

Vấn đề quan trọng nữa là nguồn lực làm công tác phòng chống lao. Đối với tuyến huyện cán bộ chuyên trách lao chủ yếu là được đào tạo ngắn hạn cho nên năng lực chẩn đoán còn hạn chế nhất định. Cán bộ chuyên trách lao các huyện lại thường xuyên thay đổi cho nên ảnh hưởng đến công tác quản lý. Địa bàn Đắk Lắk khá rộng, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí không đồng đều, có nhiều phong tục tập quán còn lạc hậu, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa... đó cũng là khó khăn cho vấn đề tiếp cận, khám phát hiện sớm.

PV: Với những khó khăn như hiện nay, theo ông cần làm gì để hoạt động phòng chống lao đạt được kết quả tốt hơn?

TS.BS Châu Đương: Chúng ta cần phải có nhiều nguồn lực hơn nữa cho hoạt động phòng chống lao để đầu tiên là quan tâm hơn nữa đến vấn đề khám sàng lọc phát hiện lao tại cộng đồng, thứ 2 là phát hiện tích cực tại các cơ sở y tế, thứ 3 là phải đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lao, làm sao để giảm bớt sự kỳ thị và người dân ý thức được rằng bệnh lao có thể điều trị được và người ta sẽ đến sớm, tránh trường hợp như hiện nay khi có dấu hiệu người ta không biết, không đi điều trị sớm hoặc đi điều trị ở nhiều nơi - đặc biệt tự mua thuốc điều trị không đúng và điều này nó dẫn đến hệ lụy rất lớn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm nay trên toàn cầu là “YES! WE CAN END TB” (ĐÚNG! CHÚNG TA CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO). Trên cơ sở đó, chủ đề Ngày Thế giới Phòng chống Lao của Việt Nam năm 2024 là “ĐÚNG! VIỆT NAM CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO”, như một lời “hồi đáp”, hưởng ứng mạnh mẽ với thế giới, khẳng định những nỗ lực, quyết tâm, khát vọng ở mức cao nhất của Việt Nam trong công tác phòng chống lao, đồng thời chủ đề năm nay tiếp tục khẳng định mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam là hoàn toàn có thể.