Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế năm 2021, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người ở nước ta đang mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong đó chỉ có khoảng 36% những người đái tháo đường đã được chẩn đoán là điều trị tốt mà thôi. Còn lại phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán khi đã bị biến chứng tim mạch, thận hay thần kinh...

Trong số hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng thì có 34% là biến chứng về tim mạch; gần 40% có biến chứng về mắt và thần kinh; 24% biến chứng về thận.

Các biến chứng của đái tháo đường gây ra là do chỉ số đường huyết trong máu cao, gây ảnh hưởng tới tất cả cơ quan và bộ phận trong cơ thể. Chính vì vậy, khi người bệnh duy trì được mức đường máu ổn định thì có thể phòng ngừa được biến chứng đái tháo đường.

Theo BS Đặng Bích Ngọc - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai, tùy từng cá thể, khi đi khám, bác sĩ sẽ đưa ra mục tiêu đường huyết mà bệnh nhân cần cố gắng đạt được. “Theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ cũng như Bộ Y tế Việt Nam, mục tiêu đường huyết của bệnh nhân đái tháo đường là nên duy trì ở mức: 4,4 - 7,2mmol/l (đường huyết đo lúc đói), dưới 10mmol/l (đường huyết đo sau ăn 2 giờ đồng hồ) và HbA1c dưới 7% (đường huyết trung bình trong 3 tháng). Tuy nhiên, mục tiêu là cá thể hóa điều trị, phụ thuộc vào tuổi của bệnh nhân, thời gian mắc, các biến chứng đi kèm và các nguồn lực hỗ trợ, sự tuân thủ của bệnh nhân mà có sự khác biệt từ bệnh nhân này sang bệnh nhân kia. Những bệnh nhân trẻ thì có thể có mục tiêu đường huyết thấp hơn, những bệnh nhân cao tuổi nhiều bệnh lý đi kèm có thể có mục tiêu đường huyết cao hơn” – BS Đặng Bích Ngọc cho biết.

Hạ đường huyết cũng là biến chứng của đái tháo đường. Khi bệnh nhân bị hạ đường huyết thì mục tiêu của việc điều chỉnh mức đường huyết cũng phải nới rộng hơn. Trong trường hợp này, bác sĩ điều trị sẽ tìm hiểu nguyên nhân gây hạ đường huyết để thay đổi chế độ ăn, vận động, phác đồ dùng thuốc cho bệnh nhân.

Những lưu ý khi đo đường huyết ở nhà

Đối với bệnh nhân đái tháo đường, ngoài việc tuân thủ đi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ thì việc tự đo theo dõi đường huyết ở nhà là việc làm luôn được các bác sĩ khuyến cáo.

Để việc tự đo đường huyết ở nhà đảm bảo độ chính xác, BS Đặng Bích Ngọc khuyên người bệnh nên mua máy chính hãng. “Máy đo đường huyết chính hãng sẽ đạt độ hiệu chỉnh làm sao cho đường máu mao mạch gần tương đương với tĩnh mạch thì sẽ mang lại hiệu quả, các giá trị để kiểm soát đường huyết tốt nhất. Hiện nay có loại máy đo đường huyết liên tục, được lắp ngay ở khoảng kẽ dưới cánh tay của bệnh nhân cũng là biện pháp hữu ích, có thể theo dõi đường máu thường xuyên và liên tục cho những bệnh nhân đái tháo đường”

Bệnh nhân cần đến Bệnh viện ngay hoặc liên lạc bác sĩ điều trị trong những trường hợp sau:

- Mức đường huyết dưới 3,9mmol/l, có nghĩa bệnh nhân bị hạ đường huyết.

- Khi chỉ số đường huyết HI trên máy đo đường huyết không hiện lên, có thể bệnh nhân đã bị tăng đường huyết ở mức nguy hiểm.

Thời gian qua, ở Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc thuốc do sốt ruột muốn chỉ số đường huyết ổn định nhanh nên đã tự ý mua thuốc không rõ nguồn gốc ở bên ngoài về uống. Bệnh nhân phải lọc máu liên tục gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

“Bệnh nhân đái tháo đường nên khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết để được tư vấn, kê đơn thuốc tùy theo ngưỡng đường máu và phù hợp với chức năng gan, chức năng thận của chính bản thân. Nếu các bệnh nhân muốn hạ nhanh đường huyết lại tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc thì các thuốc này tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm. Mối nguy hiểm đầu tiên có thể kể đến là gây tổn thương chức năng gan và thận của chính bệnh nhân đó” – BS Đặng Bích Ngọc khuyến cáo.

Để giữ đường huyết ổn định ở mức mục tiêu, việc đưa cân nặng ở mức đạt chuẩn có ý nghĩa quan trọng. “Có chỉ số tốt để giúp nhận biết rằng cân nặng của mình có đạt chuẩn hay không, đó là chỉ số BMI được tính bằng cân nặng chia cho chiều cao bình phương. Chỉ số BMI của người Việt Nam được khuyến cáo là 18,5 đến 23. Với bệnh nhân béo phì mà bị đái tháo đường sẽ có khuyến cáo giảm 5-10% trọng lượng cơ thể để đạt được chỉ số BMI bình thường cho phép, giúp phòng ngừa biến chứng của đái tháo đường, kiểm soát đường huyết tốt hơn”.

Có một cách mà mọi người có thể căn cứ vào đó để giữ cơ thể không bị tăng cân quá nhiều, đó là đo vòng bụng: đo ngang qua rốn, nam không vượt quá 90cm, nữ không quá 80cm, nếu vòng bụng không bị to ra có nghĩa các bạn giữ cơ thể không bị mỡ lắng đọng nhiều do ăn uống vô độ, không tập thể dục, lạm dụng rượu bia... Việc giữ được thể trạng như vậy kết hợp với kiểm soát đái tháo đường tốt thì người bệnh hoàn toàn có thể chung sống với bệnh đái tháo đường, phòng ngừa được các biến chứng.