Thông tin tại hội thảo, ông Đinh Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho biết, nước ta có khoảng 100 triệu người, trong đó có khoảng 13 triệu phụ nữ từ 45 tuổi trở lên, nếu tính cả phụ nữ bắt đầu bước vào tuổi suy giảm nội tiết (sau tuổi 35) thì có khoảng 20 triệu người.

Tuy nhiên, trước đây chúng ta mới dành sự quan tâm đến sức khỏe sinh sản như: làm mẹ an toàn, chăm sóc sơ sinh để em bé ra đời khỏe mạnh hay kế hoạch hóa gia đình mà chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe của phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh.

Nhiều người vẫn nghĩ rằng, suy giảm nội tiết dẫn đến tiền mãn kinh và mãn kinh là quá trình sinh lý trong cuộc đời bất cứ người phụ nữ nào. Chính bởi suy nghĩ đó nên thường có tâm lý chịu đựng.

“Tuy nhiên, đúng là tiền mãn kinh và mãn kinh là sinh lý nhưng hậu của nó để lại do suy giảm nội tiết đối với nhiều người lại là vấn đề bệnh lý. Khi nội tiết của buồng trứng suy giảm sẽ kéo theo những hệ lụy về suy giảm chung của hệ thống nội tiết, hệ lụy về tim mạch, về hệ thống xương khớp, đặc biệt điển hình ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh đó là loãng xương. Đã đến lúc chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh” – ông Đinh Anh Tuấn khẳng định.

Tại hội thảo PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng, nguyên vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tổng thư ký Hội Phụ sản Việt Nam, cũng cho biết độ tuổi mãn kinh trung bình tại các nước phát triển là 51-52 tuổi, còn ở Việt Nam là 48-50 tuổi. Khi bước và độ tuổi mãn kinh, chị em phải đối mặt với nhiều vấn đề như mệt mỏi, đau xương khớp, mất ngủ. Tuy nhiên nhiều người không biết đó là các biểu hiện của mãn kinh lại đi khám ở các chuyên khoa như thần kinh, cơ xương khớp, khiến không nhận được sự tư vấn điều trị tốt.

“Tăng cường chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong thời kỳ này là vấn đề cấp thiết” - PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng nhấn mạnh.

Nhưng chăm sóc sức khỏe không có nghĩa là chỉ điều trị các rối loạn bệnh lý, hệ lụy ở độ tuổi này mà chúng ta phải có biện pháp dự phòng từ sớm, từ xa.

“Có nghĩa là không đợi cho đến khi bước vào tuổi mãn kinh rồi chúng ta mới lấp lại các khoảng trống của nó mà chúng ta phải có ý thức bổ sung ngay các yếu tố cần thiết để duy trì sức khỏe của người phụ nữ và hạn chế tối đa những ảnh hưởng do suy giảm nội tiết mà nó mang lại ở độ tuổi này” - ông Đinh Anh Tuấn nói.

Cũng theo ông Đinh Anh Tuấn, hiện Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn quốc gia về chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh; hướng dẫn đào tạo nhân lực, triển khai phòng khám tư vấn mãn kinh tại các bệnh viện sản phụ khoa; truyền thông giáo dục cho cộng đồng phụ nữ chủ động đến khám và điều trị.